Quan điểm quy hoạch là mở rộng hợp lý quy mô đào tạo đại học, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa; phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước; thực hiện điều chỉnh cơ cấu hệ thống đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội; gắn công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn…
Mục tiêu Quy hoạch đến năm 2020 đạt khoảng 256 sinh viên/1 vạn dân; khoảng 70-80% sinh viên đại học được đào tạo theo các chương trình nghề nghiệp-ứng dụng và khoảng 30-20% sinh viên được đào tạo theo các chương trình nghiên cứu.
Đến năm 2015 có 10 trường đại học mà mỗi trường có ít nhất 1 khoa (ngành) hoặc lĩnh vực đào tạo đạt tiêu chí chất lượng tương đương so với các trường có uy tín trên thế giới; đến năm 2020 có 20 trường đại học đạt tiêu chí nêu trên và có 1 trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới.
Đến 2020, SV ngành công nghiệp, giao thông, xây dựng chiếm 31%
Quyết định nêu rõ, ưu tiên đào tạo một số ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn; công nghệ thông tin; công nghệ cơ điện tử và tự động hoá; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; một số ngành, nghề kỹ thuật và công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá và hiện đại hoá; đào tạo giáo viên và chuyên gia trình độ cao trong lĩnh vực dịch vụ.
Đến năm 2020, số sinh viên khối ngành công nghiệp, giao thông và xây dựng chiếm khoảng 31%, khối ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn khoảng 14%, khối ngành sư phạm và quản lý giáo dục khoảng 10%, khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính, ngân hàng, luật và trợ giúp xã hội khoảng 31%, khối ngành nông-lâm-ngư khoảng 5%, khối ngành y-dược khoảng 6% và khối ngành nghệ thuật, thể dục-thể thao khoảng 4% trong tổng số sinh viên đào tạo.
Tỷ trọng sinh viên đại học so với tổng số sinh viên đại học, cao đẳng chiếm khoảng 64% vào năm 2015 và khoảng 56% vào năm 2020; tiếp tục thành lập mới các trường trung cấp chuyên nghiệp và mở rộng các chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp trong các trường cao đẳng, cao đẳng cộng đồng; nghiên cứu phát triển hệ cao đẳng 2 năm.
Phân bố mạng lưới trường theo 3 vùng kinh tế trọng điểm
Theo Quyết định, phân bố sinh viên, mạng lưới trường theo 3 vùng kinh tế trọng điểm. Cụ thể, với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (gắn với vùng Đồng bằng sông Hồng), tỷ lệ sinh viên học tập tại vùng trong tổng quy mô sinh viên của cả nước chiếm khoảng 40% vào năm 2020. Thu hút đầu tư thành lập một số trường đại học 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, liên kết trong nước và nước ngoài.
Đối với, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gắn với vùng duyên hải Nam Trung Bộ), thành lập mới một số trường đại học, cao đẳng nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực cho công nghiệp hoá và hiện đại hoá của các tỉnh miền Trung. Tỷ lệ sinh viên học tập tại vùng trong tổng quy mô sinh viên của cả nước chiếm khoảng 15% vào năm 2020.
Còn đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gắn với vùng Đông Nam Bộ), tỷ lệ sinh viên học tập tại vùng trong tổng quy mô sinh viên của cả nước chiếm khoảng 24% vào năm 2020. Thu hút đầu tư thành lập một số trường đại học 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, liên kết trong nước và nước ngoài.
Theo : chinhphu.vn