Xây dựng Huế trở thành đô thị xanh

Thứ hai, 11/11/2024 15:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của nước ta. Những năm qua, Thừa Thiên Huế tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, xây dựng địa phương xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước.

Đô thị Huế ở hai bờ sông Hương.

Theo định hướng, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Tỉnh đã tập trung đẩy nhanh triển khai các chính sách chuyển đổi và phát triển địa phương theo hướng xanh, bền vững.

Tăng trưởng xanh

An Cựu City thuộc phân khu A, Khu đô thị An Vân Dương (tỉnh Thừa Thiên Huế) hiện có hơn 70 dự án đã và đang triển khai. Thời gian qua, các chủ đầu tư đã hoàn thiện hệ thống cây xanh trên các trục đường nội bộ, công viên trong khuôn viên dự án. Các tuyến đường giờ đây đã rợp bóng cây, tạo nên không gian xanh mát, giảm ô nhiễm không khí và tăng đa dạng sinh học khu vực.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư IMG cho biết, theo quy hoạch, An Cựu City có quy mô 33 ha đất, trong đó 4,5 ha dành cho cây xanh, công viên. Dự án đang triển khai giai đoạn II, nhà đầu tư đã hoàn thiện lát vỉa hè, trồng cây xanh trên các trục đường; sau khi hoàn thành sẽ tạo nên không gian xanh cho các cư dân. Qua thống kê, diện tích công viên, cây xanh của các nhà đầu tư khoảng 65 ha, gồm cây đã trồng trong công viên dự án An Cựu City, Phú Mỹ An, khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 1,…

Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến nay, tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn đã thu hút hơn 180 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 130.000 tỷ đồng. Trong đó, có 38 dự án vốn FDI với vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,3 tỷ USD (gần 80.000 tỷ đồng), giải quyết việc làm cho hơn 50.000 lao động. Tại các khu kinh tế, khu công nghiệp như Chân Mây-Lăng Cô (huyện Phú Lộc), Phú Bài (thị xã Hương Thủy), theo quy hoạch sẽ đầu tư phát triển khu công nghiệp và khu dịch vụ hậu cần cảng, khu công nghệ cao, công nghệ sinh học, các ngành công nghiệp sạch,...

Thừa Thiên Huế xác định phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững không chỉ là mục tiêu trước mắt, mà còn là chiến lược lâu dài; trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp sang dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp. Từ định hướng đó, tỉnh đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng cơ chế phù hợp tình hình thực tiễn địa phương nhằm phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xanh và bền vững.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui, những năm gần đây, Thừa Thiên Huế đã vươn lên là một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI, nhiều dự án có quy mô hàng tỷ USD. Trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường như: công nghiệp tin học, phần mềm, điện-điện tử, công nghiệp chế biến sâu thủy sản, thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ,… cho vùng kinh tế trọng điểm miền trung.

Thành phố xanh quốc gia

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chia sẻ, là một trong năm địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền trung, Thừa Thiên Huế hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh hơn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành một cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền trung và cả nước, trọng điểm về quốc phòng, an ninh quốc gia. Nhận thức được tiềm năng, lợi thế riêng có, tỉnh đã xác định tập trung phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản.

“Đô thị Huế hàm chứa sự đa dạng về địa hình-sông, núi, gò đồi, đầm phá, biển, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa. Huế là một Kinh thành-một Kinh đô và nay là một Thành phố di sản văn hóa thế giới. Vì vậy, xây dựng và phát triển đô thị Huế không nhất thiết phải xây dựng nhiều nhà cao tầng, chung cư san sát, cư dân sống đông đúc hay nhiều nhà máy, công xưởng,... Quá trình đô thị hóa ở một số nước trên thế giới đã cho thấy bài học nhãn tiền về ô nhiễm môi trường, khói bụi và ách tắc giao thông. Không chỉ đơn thuần tạo mảng xanh, mà kết nối xanh còn giao thoa giữa bảo tồn và phát triển, truyền thống và hiện đại, kết nối các giá trị sinh thái thiên nhiên và nhân văn, tạo nền tảng để phát triển bền vững”, ông Lê Trường Lưu chia sẻ.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở chuyến vận chuyển container vào cảng Chân Mây.

Theo nhận định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, Huế là vùng đất có tám di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới; với nhiều di tích, nhiều loại hình nghệ thuật, lễ hội truyền thống, cùng văn hóa ẩm thực, kiến trúc, mang đậm bản sắc văn hóa; kết hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, môi trường trong lành, an toàn và thân thiện. Tỉnh xác định phát triển du lịch, dịch vụ phải thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, Huế có đủ điều kiện để phát triển dịch vụ giáo dục, y tế gắn với du lịch, đây được coi là hướng đột phá để tái cơ cấu mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.

Nét nổi bật dễ nhận thấy thời gian qua là tỉnh đã phấn đấu xây dựng địa phương xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, từng bước hình thành và khẳng định các thương hiệu: “Huế-điểm đến di sản”, “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa, du lịch ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố xanh quốc gia”, hướng trọng tâm trở thành đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường.

Gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch hành động cho “Thành phố xanh” định hướng đến năm 2030, nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trong khuôn khổ hợp tác với Ngân hàng ADB. Trong đó, nhiệm vụ đột phá là xây dựng Huế thành một đô thị xanh, phát triển bền vững đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên, đặc biệt là trùng tu khu kinh thành, các điểm di tích, điểm đặc trưng thu hút du lịch của Huế, tạo ra mô hình phát triển mới, phù hợp với đặc điểm riêng có của thành phố Huế.

“Việc xây dựng Huế trở thành “Thành phố xanh” tập trung vào 3 nhiệm vụ chính, mang tính đột phá là cải thiện môi trường; nâng cao trải nghiệm du lịch; phát triển giao thông bền vững cho thành phố Huế và các đô thị lân cận. Về nhiệm vụ cải thiện môi trường đô thị, Huế cần có hạ tầng cơ bản để có thể quản lý nước mưa và nước thải tốt hơn. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt mới được đề xuất cho bờ bắc sẽ được lắp đặt cho khu vực Kinh thành và vùng đệm”, ông Nguyễn Văn Phương cho hay.

Các cơ quan, đơn vị chức năng trong tỉnh đã lên kế hoạch chi tiết thực hiện “Thành phố xanh”, nhằm cải thiện môi trường đô thị khu vực chung quanh khu Kinh Thành và các khu vực khác. Trên cơ sở đó, sẽ ưu tiên phát triển hệ thống thu gom và xử lý nước thải trong khu Kinh thành và các khu vực lân cận; cải tạo ao hồ, kênh rạch, hệ thống thoát nước trong khu Kinh thành; phát triển hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng,…

Về nâng cao trải nghiệm du lịch, tỉnh sẽ thiết kế ấn tượng hơn để thu hút và tăng thời gian tham quan của du khách, đẩy doanh thu từ du lịch và các hoạt động kèm theo tăng trưởng mạnh. Sự đa dạng của hoạt động du lịch văn hóa và tự nhiên sẽ được mở rộng quy mô, bổ sung hoạt động về đêm, bao gồm giới thiệu chợ đêm và biểu diễn văn hóa.

Nguồn: Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)