Phấn đấu đưa Bắc Ninh thành một cực phát triển của Vùng

Thứ ba, 30/07/2024 15:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, với định hướng đến năm 2030: Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội. Từ định hướng này, tỉnh đã nhanh chóng triển khai các quy hoạch phân khu.

Theo đó, công tác quy hoạch và phát triển đô thị được các cấp, ngành, địa phương tập trung cao. Đến nay cơ bản hoàn thành 25/26 Đồ án Quy hoạch phân khu, qua đó bảo đảm các điều kiện để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thương mại, đô thị, giáo dục… Các quy hoạch sẽ tạo động lực tăng trưởng và phát triển mới cho tỉnh như: Khu công nghệ thông tin tập trung tại Tiên Du và thành phố Bắc Ninh, diện tích trên 260 ha; Khu phức hợp cấp vùng về y tế tại Thuận Thành, diện tích 200 ha; Khu đô thị Đại học I và II tại Tiên Du và hành phố Bắc Ninh với tổng diện tích khoảng 500 ha…Nhằm sớm đưa Quy hoạch tỉnh vào triển khai, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công khai rộng rãi nội dung của Quy hoạch tỉnh trên các phương tiện truyền thông, báo chí, cổng thông tin điện tử của tỉnh theo đúng quy định của Luật Quy hoạch. Đối với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Thuận Thành dự kiến được phê duyệt trong năm 2024; Đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng huyện Gia Bình và Lương Tài dự kiến hoàn thành trong đầu năm 2025.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh liên tục có các cuộc trao đổi, gặp gỡ với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư cũng như trực tiếp lắng nghe, tháo gỡ khó khăn. Tổ chức hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn. Tại Hội nghị cải thiện các chỉ số điều hành, quản trị địa phương tỉnh Bắc Ninh năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn yêu cầu, các sở, ngành, địa phương cần nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị, hạ tầng các KCN phát triển các trung tâm logistics lớn… thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, nhất là các ngành xu hướng trong tương lai như bán dẫn, năng lượng tái tạo, chế tạo thông minh, kinh tế xanh, chuyển đổi xanh…

Dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong quý II vừa qua là 8,06%, khẳng định hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự phối hợp chặt chẽ, nỗ lực của các ngành và địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Không quá chủ quan với kết quả bước đầu, tỉnh thẳng thắn nhìn nhận: Mặc dù GRDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng cao về chỉ số so với cùng kỳ nhưng quy mô vẫn chưa trở về mức trước suy thoái, còn bị giảm khá nhiều (-11,3%) so với GRDP 6 tháng đầu năm 2022 (năm đạt đỉnh về quy mô GRDP). Mức tăng trưởng GRDP 2,32% còn khiêm tốn và đứng vị trí 60 trong cả nước. Tại Hội nghị lần thứ 21, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh diễn ra đầu tháng 7, nhiều ý kiến bày tỏ sự quan ngại chất lượng tăng trưởng, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn còn nhiều thách thức; hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động ở mức cao (1.400 doanh nghiệp), tương đương với số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Tiến độ thực hiện một số chủ trương của tỉnh liên quan đến việc giao bán đất trái thẩm quyền, dân cư dịch vụ, dự án BT, xử lý ô nhiễm môi trường, thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số dự án, đặc biệt các dự án trọng điểm còn chậm. Một số chỉ số về điều hành, quản trị địa phương năm 2023 của tỉnh giảm như: PCI từ vị trí thứ 7 xuống thứ 31, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) từ vị trí thứ 3 xuống thứ 21...

Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024 từ 5-6,29% và cả nhiệm kỳ 2020-2025 cần sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Từ tiền đề nêu trên, tỉnh ưu tiên thúc đẩy động lực tăng trưởng, tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối lớn trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xử lý cán bộ né tránh, đùn đẩy, không chịu làm ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan, đơn vị và của tỉnh. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Hội nghị, công bố Quy hoạch tỉnh cùng với tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2024. Đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng dịch vụ, thương mại; phát triển các trung tâm logistics lớn luân chuyển hàng hóa của khu vực phía Bắc và cả nước. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp tuần hoàn gắn với công nghiệp chế biến, tham gia chuỗi giá trị. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, các hạ tầng số cốt lõi tạo động lực phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, nhất là đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng thời xem xét, ban hành cơ chế, chính sách đột phá để phát triển tỉnh Bắc Ninh là một trong bốn cực tăng trưởng theo Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)