Hội thảo “Lấy ý kiến sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình”

Thứ tư, 16/08/2023 11:19
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 15/8/2023, Viện Khoa học công nghệ xây dựng phối hợp với Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06: 2022/BXD)” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. 

Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh phát biểu tại hội thảo

Tham dự hội thảo có PGS.TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), ông Nguyễn Hồng Hải - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng, bà Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam và các chuyên gia từ các đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp trên toàn quốc.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Ngọc Anh cho biết, ngày 5/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, kịp thời phát hiện các vướng mắc, làm rõ nguyên nhân để nhanh chóng có giải pháp bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm phù hợp với thực tế ở Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến các Bộ ngành, doanh nghiệp, cá nhân, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Viện Khoa học công nghệ xây dựng rà soát, sửa đổi QCVN 06:2022/BXD, theo hướng các quy định, yêu cầu khắt khe cần rà soát lại để vừa đảm bảo an toàn cháy mà vẫn phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết, một số nội dung cần điều chỉnh theo yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng cũng như yêu cầu từ thực tế, nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và áp dụng cho các đối tượng phù hợp, sát thực tiễn hơn. Viện Khoa học công nghệ xây dựng đã tổ chức nhiều hội thảo, báo cáo quá trình triển khai, đề ra giải pháp, phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng không hạ thấp quy định về an toàn PCCC.

Tham dự hội thảo, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm: điều chỉnh, sửa đổi QCVN 06: 2022/BXD là cần thiết; song không vì tập trung tháo gỡ vướng mắc mà xem nhẹ yếu tố an toàn PCCC.

Theo ông Nguyễn Thanh Tú - Phó trưởng phòng Quản lý kỹ thuật Công ty Cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng (CONINCO), cần cân nhắc kỹ khi so sánh giữa yếu tố kinh tế và kỹ thuật. Quy chuẩn không được hạ thấp tiêu chuẩn kỹ thuật, bởi khi đầu tư thi công xây dựng có thể tốn kém hơn một chút nhưng đảm bảo an toàn, còn hơn để xảy ra sự cố thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng con người.

Ông Trần Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng Việt Nam nhận định, trong PCCC thì “phòng” sẽ tốt hơn “chữa”, Quy chuẩn QCVN 06: 2022/BXD nên chú trọng nội dung này. Nếu phòng chống tốt thì sẽ đảm bảo được an toàn sinh mạng con người tại các công trình. Như vậy, phòng chống cháy cần được đưa lên hàng đầu trong Quy chuẩn sửa đổi. Ông Trần Tuấn Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm khi làm việc với một số đơn vị tư vấn nước ngoài, họ đều nhận xét quy chuẩn liên quan đến vật liệu của Việt Nam cao quá (ví dụ sơn chống cháy), khiến chi phí công trình tăng lên. Để đáp ứng được tiêu chuẩn PCCC, chi phí xây dựng, hoàn thiện công trình “đội” lên quá cao khiến chủ đầu tư gặp khó. Do đó, cần tăng cường yếu tố phòng chống cháy hơn là quy định phải đáp ứng các yếu tố về chữa cháy như hiện nay.

Đại diện Ban soạn thảo sửa đổi QCVN 06: 2022/BXD, TS. Cao Duy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng nêu một số khó khăn, bất cập khi hầu hết các ý kiến đóng góp sửa đổi Quy chuẩn này đều xuất phát từ góc độ kinh tế chứ chưa đề cao an toàn cho con người trong phòng cháy. Cùng với đó, việc thực thi quy chuẩn vẫn còn vướng mắc. Thêm một khó khăn khi sửa Quy chuẩn QCVN 06: 2022/BXD được TS. Cao Duy Khôi nêu lên: Quy chuẩn này do Bộ Xây dựng ban hành nhưng lại do Bộ Công an thực thi, do đó quá trình thực hiện có những yếu tố thiếu đồng nhất. Bên cạnh đó, năng lực thực thi - từ khâu kiểm định, thí nghiệm... cũng có độ trễ so với yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Theo TS. Cao Duy Khôi, đây là quy chuẩn khó, nặng về kỹ thuật và chuyên sâu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chưa có đào tạo bài bản về an toàn cháy cho nhà và công trình cũng như yêu cầu tăng cường quản lý PCCC. Điều này đòi hỏi tất cả các bên liên quan cần nghiên cứu kỹ, nắm bắt tốt các quy định của Quy chuẩn này để hiểu đúng, áp dụng đúng.

Từ thực tế trên, Ban soạn thảo kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công an cho biên soạn tài liệu Hướng dẫn áp dụng QCVN 06: 2022/BXD, biên soạn mới hoặc sửa đổi các tiêu chuẩn vệ tinh; hủy bỏ các tiêu chuẩn đã quá cũ để xây dựng một hệ thống quy định kỹ thuật đồng bộ, phù hợp. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có đóng góp ý kiến cụ thể, khách quan, đa chiều, đúng phạm vi để Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện. Đặc biệt, các chủ đầu tư công trình cần quan tâm đến vấn đề PCCC ngay từ khi bắt đầu thiết kế, lựa chọn đơn vị tư vấn và thi công đủ năng lực, có chuyên môn phù hợp.

Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)