Để bảo đảm cung cấp nước sạch ổn định, liên tục cho người dân, Sở Xây dựng Hà Nội đang phối hợp với sở ngành, đơn vị liên quan nỗ lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, bảo đảm cấp nước an toàn, ổn định cho người dân trên địa bàn thủ đô trong những ngày nắng nóng, cao điểm.
Mỗi tổ chức, cá nhân cần có những hành động thiết thực và cụ thể như sử dụng tiết kiệm nước sinh hoạt, không vứt, xả rác thải bừa bãi ra môi trường, tránh tình trạng xả trực tiếp vào nguồn nước sinh hoạt. Ảnh: Thùy Chi
Đẩy nhanh tiến độ các giải pháp cấp nước an toàn, ổn định cho người dân
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị đã dự báo, lên phương án phân bổ, điều tiết nguồn nước, bảo đảm hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu sử dụng, cũng như khả năng tiếp cận nguồn nước của từng khu vực trong đợt hè nắng nóng đang diễn ra.
Đối với một số địa bàn thiếu nước sạch sinh hoạt ở các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, trước mắt Sở Xây dựng Hà Nội bổ sung nguồn cấp từ nhà máy nước mặt sông Đuống. Tại các khu vực nóng, Sở tiến hành điều tiết cấp nước luân phiên; cấp nước theo giờ; huy động các xe stec hỗ trợ cấp nước, sử dụng bơm tăng áp cục bộ để có nước cho người dân sinh hoạt.
Về giải pháp lâu dài, thành phố Hà Nội đang yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) khẩn trương triển khai giai đoạn 2, nâng công suất của Nhà máy nước mặt sông Đà lên 600.000m3/ngày đêm.
Nhằm đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp bảo đảm cấp nước ổn định cho người dân, đại diện Viwasupco cho biết, công ty đã phối hợp các đơn vị cấp nước trong khu vực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp cấp nước an toàn, ổn định cho các khu vực sử dụng nguồn từ Nhà máy Nước mặt sông Đà.
Nhận định xu thế khí tượng thủy văn, khả năng ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và nhận định sớm về nguy cơ thiếu hụt nguồn nước đến cuối mùa cạn năm 2023 cho thấy nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa hè có khả năng sẽ diễn ra nghiêm trọng.
Trong khi đó, hiện mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng đều đang ở mức rất thấp, thiếu hụt so với quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trong thời kỳ mùa cạn trên các lưu vực sông. Mực nước hồ chứa trung bình thấp hơn trong khoảng từ 0,4m đến 24m, tương ứng tổng lượng nước thiếu hụt trong khoảng từ 16 đến 389 triệu m3.
Cùng với đó, vào mùa cao điểm, nhu cầu sử dụng nước của người dân và các doanh nghiệp sản xuất đều tăng cao. Đơn cử, theo thông tin từ Sở xây dựng Hà Nội, tổng nhu cầu sử dụng trung bình trên địa bàn Hà Nội hiện khoảng 1.150.000 - 1.250.000m3/ngày đêm. Bước vào cao điểm nắng nóng, nhu cầu nước sạch sinh hoạt của người dân bình quân tăng cao hơn từ 5 - 10%.
Đứng trước thực trạng trên, các doanh nghiệp cung ứng nước sạch đứng trước áp lực vừa phải bảo đảm khai thác, sản xuất, sử dụng tài nguyên nước đúng theo giấy phép được cấp, vừa phải nâng cao hiệu quả xử lý nước, cung ứng đủ nước cho các đơn vị để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Viwasupco hiện là đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho Thủ đô Hà Nội với công suất trung bình năm 2022 là 292.000m3/ngày đêm. Do nhu cầu dùng nước năm 2023 tăng nên Nhà máy đang vận hành hết công suất thiết kế giai đoạn 1 cấp cho khách hàng trung bình khoảng 300.000m3/ngày đêm. Giai đoạn 2 của Nhà máy nước sông Đà gồm: Nhà máy nước và Công trình khai thác nguồn nước thuộc Dự án đầu tư xây dựng Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông giai đoạn II, nâng công suất lên 600.000m3/ngày đêm dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong Quý 4/2024.
Linh hoạt ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phục vụ khách hàng kịp thời, hiệu quả
Với đặc thù ngành luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ yếu tố biến động khách quan, Viwasupco đã linh hoạt ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất, hạn chế rủi ro; nâng cao năng lực quản trị, phục vụ khách hàng kịp thời, hiệu quả.
Cụ thể, để bảo đảm việc cung cấp nước sạch ổn định, liên tục cho người dân trong mùa cao điểm, Viwasupco đã triển khai hàng loạt giải pháp như: Lắp đặt các phao chắn dầu chuyên dụng tại vị trí kênh dẫn nước sông, nước hồ và các vị trí xung yếu khác để ngăn chặn, cô lập từ xa nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; duy trì mực nước hồ để ổn định chất lượng nước thô, giảm lượng nước rửa lọc, xả cặn bể lắng tiết kiệm nguồn nước thô; tăng cường tuần tra kịp thời phát hiện các điểm rò rỉ để sớm khắc phục, giảm thiểu lượng nước thất thoát trên tuyến ống truyền tải; chủ động xây dựng hàng rào bảo vệ kênh dẫn nước thô của Nhà máy…
Đặc biệt, đầu tư công nghệ, hệ thống xử lý bùn để xử lý triệt để lượng nước thải sản xuất xả ra môi trường tuân thủ yêu cầu theo tiêu chuẩn hiện hành. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp phòng ngừa, ứng phó nguy cơ, sự cố ô nhiễm nguồn nước, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp để bảo vệ an ninh, an toàn nguồn nước, vận động người dân sống gần khu vực nguồn nước nâng cao nhận thức về bảo bệ môi trường.
Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị cấp nước trong khu vực để triển khai các giải pháp cấp nước cho các khu vực sử dụng nguồn từ Nhà máy Nước mặt sông Đà; kịp thời thông báo cho khách hàng trong phạm vi cấp nước chuẩn bị các phương án, kế hoạch lấy nước dự trữ và phân phối cấp nước mùa cao điểm; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công tác sản xuất, quản lý vận hành của Công ty nhằm bảo đảm số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.
Để tiếp tục bảo đảm cung ứng nước sạch an toàn, ổn định cho người dân, Viwasupco sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát xét nghiệm các chỉ tiêu chất lượng theo đúng quy định. Tiếp tục đầu tư xây dựng Giai đoạn II của Dự án nâng công suất lên 600.000 m³/ngày đêm, cũng như tuyến ống truyền tải Cấp II; không ngừng cải tạo thay thế công nghệ thiết bị cũ, nâng cao năng lực, tăng cường công tác chống thất thu, thất thoát nước sạch, tiết kiệm chi phí sản xuất để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân.
Cạn kiệt nguồn nước ngầm, thiếu hụt nước sạch vẫn đang là thách thức rất lớn. Do đó, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp cung ứng nước như Viwasupco thì còn cần sự chung tay, góp sức của nhiều bên liên quan. Mỗi tổ chức, cá nhân cũng cần có những hành động thiết thực và cụ thể như không vứt, xả rác thải bừa bãi ra môi trường, tránh tình trạng xả trực tiếp vào nguồn nước sinh hoạt… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nước ngầm, gây ra nhiều trở ngại, khó khăn cho các đơn vị xử lý và sản xuất nước sạch, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông trong cộng đồng để nâng cao ý thức sử dụng nguồn nước sạch tiết kiệm, hiệu quả của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tạo đà phát triển nguồn cung cấp và mạng lưới cung cấp nước sạch tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội.