Đà Nẵng đang quyết liệt xử lý, di dời các hộ dân đang sống trong các khu tập thể đã hết thời hạn sử dụng, đồng thời lên phương án bố trí đất và đầu tư xây dựng mới ba khu chung cư cũ. Trong đó quyết liệt di dời các hộ dân đang sống tại khu tập thể nguy cấp.
Chung cư Hòa Minh xuống cấp, nhếch nhác (ảnh chụp chiều 3/12).
Báo cáo mới nhất của UBND thành phố Đà Nẵng chỉ rõ, thời gian qua chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, giải thích, động viên người dân đang sống trong các khu tập thể (KTT) xuống cấp tuân thủ việc di dời, chấp thuận các phương án địa phương đưa ra nhằm sớm ổn định đời sống và bảo đảm an toàn tính mạng. Việc di dời, giải tỏa các KTT xuống cấp thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn đã được các đơn vị chức năng TP Đà Nẵng khẩn trương khoanh vùng nguy hiểm, có biện pháp ngăn ngừa không để xảy ra sự cố, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm. Chính quyền thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, để tạo điều kiện cho người dân. TP Đà Nẵng thống nhất chủ trương bố trí cho thuê căn hộ chung cư hoặc hỗ trợ 60% giá trị đất, nhà cho những hộ dân để giải tỏa các KTT xuống cấp nguy hiểm, nhưng nhiều hộ viện dẫn nhiều lý do và không đồng thuận. Trong đó, các hộ dân còn khiếu nại, kiến nghị về chủ trương của UBND thành phố làm ảnh hưởng đến công tác di dời. Cụ thể, các hộ dân khiếu nại, kiến nghị là đề nghị bố trí đất tái định cư thay vì hỗ trợ bằng tiền hoặc hỗ trợ thuê căn hộ chung cư; đề nghị bố trí căn hộ chung cư có quyền sở hữu; đề nghị được mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước…Tuy nhiên, những điều này không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Đến nay, Đà Nẵng đang giải tỏa, di dời 25 KTT xuống cấp (trong đó: 8 khu tập thể cấp D, 16 KTT cấp C và 1 KTT cấp B), với 172 hộ dân. Đã di dời 61 hộ dân (cấp D: 40 hộ và cấp C: 21 hộ) còn lại 111 hộ (cấp D: 11 hộ; cấp C: 90 hộ; cấp B: 10 hộ). Trong đó, đã di dời hoàn thành giải tỏa, di dời 6/8 KTT cấp D (K30 Bạch Đằng, K340 Phan Châu Trinh, 87 Lê Lai, 52 Trần Quốc Toản, 10 Trần Bình Trọng, 80 Hùng Vương).
Ông Trần Quang Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng cho biết: Hiện nay 2 quận Hải Châu và Thanh Khê đã thành lập Hội đồng Bồi thường thiệt hại, Hỗ trợ và Tái định cư để thực hiện di dời, giải tỏa các KTT xuống cấp theo phương án đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt. Đối với các KTT thuộc sở hữu Nhà nước đã hết thời hạn sử dụng và đã có kết quả kiểm định của Trung tâm kiểm định chất lượng, Trung tâm đã báo cáo UBND thành phố thu hồi, UBND các quận Hải Châu, Thanh Khê thực hiện giải tỏa, di dời theo quy định.
UBND thành phố Đà Nẵng đã có một số công văn chỉ đạo các quận Hải Châu, Thanh Khê, Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng về di dời, giải tỏa các KTT xuống cấp, nhất là các KTT xuống cấp với cấp độ D.
Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố Đà Nẵng đã thống nhất địa điểm xây dựng các khu chung cư (KCC) thay thế 3 KCC là Thuận Phước, Hòa Minh và Lâm đặc sản Hòa Cường với 648 hộ dân đang sinh sống. Hiện, các KCC này đã xuống cấp và chỉ được phép sử dụng đến hết năm 2021 theo quy định.
Gia đình ông Phạm Phú Đức, sống tại KCC Lâm đặc sản Hòa Cường (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã gần 10 năm. Mấy năm gần đây, KCC này xuống cấp trầm trọng. Hệ thống ống nước hư hỏng, chảy thấm vào tường gây bung vôi, vữa. Nhiều bữa cả nhà đang ăn cơm thì mảng vữa trên trần nhà rơi xuống. Lo nhất là vào mùa mưa bão. Đó cũng là tâm trạng chung của hàng trăm hộ dân sinh sống tại các KCC Thuận Phước (quận Hải Châu) và Hòa Minh (quận Liên Chiểu).
Theo Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng Phùng Phú Phong, hiện UBND thành phố Đà Nẵng đã thống nhất phương án xây dựng các KCC thay thế 3 KCC xuống cấp này: KCC Hòa Minh sẽ được xây mới ngay tại khu đất KCC Hòa Minh; hai chung cư Thuận Phước, Lâm đặc sản Hòa Cường sẽ được xây mới tại khu đất số 10 Trịnh Công Sơn.