Dự án sẽ đầu tư xây dựng hệ thống cống bao, hệ thống thu gom nước thải và thoát nước chung; xây dựng trạm bơm và hạ tầng phục vụ quản lý thoát nước và nước thải; xây dựng trạm trung chuyển bùn…
Ngày 8/4, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, sau khi nghiên cứu hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (dự án CRUS2) dự kiến sử dụng vốn vay ADB, UBND TPHCM đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính xem xét, lựa chọn hồ sơ đề xuất dự án CRUS2 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở để thành phố sớm triển khai các thủ tục tiếp theo tiếp nhận nguồn vốn vay, thực hiện đầu tư dự án.
Theo UBND TPHCM, mục tiêu của dự án là cải thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải, tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, ngập nước do mưa, triều và ảnh hưởng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn trải dài qua các Quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, quận Tân Bình với diện tích khoảng 2.730 ha; và khu vực phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất với diện tích khoảng 758ha.
Dự án sẽ đầu tư xây dựng hệ thống cống bao, hệ thống thu gom nước thải và thoát nước chung; xây dựng trạm bơm và hạ tầng phục vụ quản lý thoát nước và nước thải; xây dựng trạm trung chuyển bùn…
Do đó, xây dựng dự án phù họp với các nội dung ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo Điều 5, Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ.
Đây là dự án không có sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, do nguồn vốn ngân sách đang gặp khó khăn nên dự án chỉ có thể kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ODA.
Hiện nay, trong số các nhà tài trợ ODA tiềm năng cho dự án (như WB, ADB, JICA), không kể WB đã rút lui, hiện chỉ có ADB thể hiện quyết tâm tài trợ cho dự án.
Cụ thể, ADB đã xác nhận sẵn sàng nguồn vốn vay đầu tư dự án giai đoạn 2021-2025. Đồng thời từ năm 2018, ADB cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại tương đương 5 triệu USD để nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư cho dự án CRUS2.
Ngoài ra, ADB đang tiếp tục tài trợ không hoàn lại để hỗ trợ Thành phố xem xét, đánh giá đề xuất đầu tư dự án xây dựng hệ thống cống bao và nhà máy xử lý nước thải tập trung cho khu vực phía tây Thành phố theo hình thức đối tác công tư - ppp để kết nối đồng bộ, phát huy hiện quả dự án CRUS2.
TPHCM xác định ưu tiên đề xuất 2 danh mục gồm CRUS1 và CRUS2 để đầu tư đồng bộ và phát huy hiệu quả giai đoạn 2021 - 2025 cho khu vực phía tây Thành phố. Đây là 2 đề xuất dự án giải quyết cho hai lưu vực riêng trong quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Thành phố.
Đồng thời, 2 dự án này đã được nghiên cứu trong tổng thể báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (giai đoạn 2) đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Theo hồ sơ đề xuất dự án, dự kiến cơ cấu vốn cho 5 hạng mục.
Cụ thể, xây dựng hệ thống cống bao dọc theo kênh Tham Lương - Bến Cát đến nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn (khoảng 10% chi phí xây dựng). Xây dựng hệ thống thu gom nước thải và thoát nước chung cấp 2, 3 và 4 (70%). Xây dựng trạm bơm và hạ tầng phục vụ quản lý thoát nước và nước thải (5%). Xây dựng và cải thiện hệ thống thoát nước chung hiện hữu, xây dựng một hệ thống thoát nước riêng và các đấu nối hộ gia đình vào hệ thống (8%). Xây dựng trạm trung chuyển bùn phốt và hạ tầng xử lý để tăng cường hiệu quả quản lý (7%).
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 350 triệu USD (tương đương 8.133 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay khoảng 300 triệu USD (tương đương 6.971 tỷ đồng) xây lắp các hệ thống thoát nước mưa, nước thải, trạm bơm nâng. Vốn đối ứng 50 triệu USD (tương đương 1.162 tỷ đồng) gồm chi phí tư vấn, chi phí quản lý dự án, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và các chi phí khác. Các dự án thành phần còn lại được đầu tư theo nguồn vốn khác giai đoạn 2021-2025 để phát triển đồng bộ, phát huy hiệu quả.
Thời gian vừa qua, TPHCM đã và đang triển khai khá nhiều dự án trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải, chống ngập, giảm triều cường (8 dự án) từ các nguồn vốn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, UBND Thành phố chưa có đánh giá toàn diện về hiệu quả, sự kết nối của các dự án đã và đang thực hiện để cho thấy nhu cầu đầu tư dự án này với quy mô đầu tư rất lớn (300 triệu USD).
Ngoài ra, TPHCM cũng đang đề xuất vay vốn ADB (360 triệu USD) để thực hiện dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát.