Sau khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết 01, 02 chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Bộ Xây dựng đã chủ động xây dựng các kịch bản, chương trình phát triển của ngành. Trong bối cảnh còn chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19, việc bám sát và đưa ra những giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp từng giai đoạn cụ thể rất quan trọng, trong đó năm nay được xác định là năm bản lề quyết định khả năng hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.
Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam thi công.
Sau khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết 01, 02 chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Bộ Xây dựng đã chủ động xây dựng các kịch bản, chương trình phát triển của ngành. Trong bối cảnh còn chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19, việc bám sát và đưa ra những giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp từng giai đoạn cụ thể rất quan trọng, trong đó năm nay được xác định là năm bản lề quyết định khả năng hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, nhiều năm qua, công tác hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành xây dựng luôn được chú trọng hàng đầu, trọng tâm là nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quản lý cấp nước sạch. Tổng kết tình hình thực hiện, rà soát sửa đổi, bổ sung các Luật: Nhà ở, Kinh doanh bất động sản (BÐS), Quy hoạch đô thị và Nghị quyết số 1210/NQ-UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và các nghị định quy định chi tiết. Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng và thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2021; đẩy mạnh công tác giám sát, đôn đốc thực hiện; tăng cường trách nhiệm của đơn vị chủ trì soạn thảo.
Trước những khó khăn của dịch Covid-19, các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng đã thường xuyên bám sát tình hình thị trường BÐS để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, từng bước đưa thị trường BÐS phát triển ổn định, bền vững, khắc phục lệch pha cung - cầu, bảo đảm sự công khai, minh bạch. Nghiên cứu, tham mưu các chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, quản lý các loại hình BÐS mới, BÐS công nghiệp, BÐS du lịch, lưu trú,... Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, thuế liên quan nhà ở và BÐS; phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong lĩnh vực BÐS, điều chỉnh chính sách tín dụng một cách linh hoạt, kịp thời.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành xây dựng là tổ chức triển khai có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, đề án phát triển vật liệu xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, tiếp tục rà soát, đề xuất để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá liên quan lĩnh vực vật liệu xây dựng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng gắn với giải pháp phát triển thị trường vật liệu xây dựng ổn định bền vững; nghiên cứu chính sách khuyến khích sử dụng vật liệu thay thế, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, vật liệu cho khu vực biển đảo. Thực hiện tốt việc đánh giá hợp quy, chất lượng hàng hóa vật liệu xây dựng để vừa bảo vệ sản xuất trong nước, vừa quản lý tốt các vật liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh rà soát, kiểm soát việc thực hiện các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, hoàn thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ và cập nhật đầy đủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia,...
Ưu tiên các giải pháp chuyển đổi số
Nhằm góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới của Bộ Xây dựng là tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số tại "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" theo Quyết định số 749/QÐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ và "Kế hoạch chuyển đổi số ngành xây dựng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030", kế hoạch số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ. Cụ thể, cung cấp ít nhất 50% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Cùng với đó, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành xây dựng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, để nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành, Bộ đã thực hiện giao kế hoạch đầu tư công năm 2021 ngay từ đầu năm. Quyết liệt tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn sau khi được duyệt. Tập trung hoàn thành, nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nhất là dự án Nhà Quốc hội Lào. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân. Ðồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là công tác cổ phần hóa Tổng công ty Ðầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Xi-măng Việt Nam; thực hiện thoái vốn nhà nước hoặc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu theo kế hoạch được duyệt, tuân thủ theo các nguyên tắc của thị trường, công khai, minh bạch, đúng pháp luật và bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước. Nghiên cứu xây dựng đề án phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp xây dựng lớn, tiềm lực mạnh, có đủ năng lực tổ chức, quản lý, thiết kế, thi công các công trình xây dựng trong các lĩnh vực với mọi quy mô theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tập trung xây dựng chiến lược phát triển khoa học - công nghệ ngành xây dựng đến năm 2030. Xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch khoa học và công nghệ trọng điểm; đổi mới cơ chế, phương thức thực hiện công tác nghiên cứu khoa học theo hướng cụ thể, thiết thực, đẩy mạnh tuyển chọn, đặt hàng nghiên cứu khoa học. Tiếp tục thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ "Kế hoạch chuyển đổi số ngành xây dựng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030" và các đề án "Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng", "Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng", triển khai thực hiện đề án "An ninh kinh tế trong bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia" sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành...