Ðà Nẵng bước vào năm 2021 với vai trò là thành phố động lực của khu vực miền trung. Những kết quả bước đầu trong xây dựng thành phố thông minh (TPTM) mở ra nhiều cơ hội mới, tạo đà để Ðà Nẵng xây dựng chính quyền đô thị (CQÐT) với mục tiêu trọng tâm hướng đến sự tiện lợi, kết nối doanh nghiệp, mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Tổng đài dịch vụ công TP Ðà Nẵng 1022. Ảnh: TRẦN NGỌC
Ðà Nẵng xác định xây dựng TPTM là bước tiếp theo của CQÐT, trong đó công nghệ thông tin - truyền thông được sử dụng như một công cụ để giải quyết những thách thức trong quản lý đô thị hiện đại, dựa trên dữ liệu, thông tin được thu thập, lưu trữ, xử lý, phân tích, hỗ trợ ra quyết định. Năm 2014, qua tư vấn của các chuyên gia tập đoàn IBM, Ðà Nẵng ban hành “Ðề án xây dựng TPTM hơn”, làm cơ sở để các cơ quan thành phố phối hợp các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước và quốc tế triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh. Năm 2018, Ðà Nẵng ban hành Kiến trúc tổng thể TPTM, tập trung vào sáu trụ cột chính, gồm: Quản trị thông minh; kinh tế thông minh; môi trường thông minh; đời sống thông minh; giao thông thông minh và công dân thông minh. Hiện, Ðà Nẵng đã hoàn thành 12 trong số 13 nhóm mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại đề án nêu trên; hoàn thành sớm 11 trong số 13 nhiệm vụ giao các địa phương đến năm 2025 tại đề án phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Từ nền tảng đó, Ðà Nẵng đã có những đột phá và đạt được nhiều thành quả bước đầu trong lộ trình xây dựng TPTM. Hai lĩnh vực giáo dục, y tế được Ðà Nẵng chọn lựa, triển khai, đã có 100% trường học các cấp triển khai phần mềm quản lý trường học; phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp; cơ sở dữ liệu dùng chung và cổng giao tiếp dữ liệu ngành giáo dục. Bên cạnh đó, xây dựng cổng tra cứu điểm thi các cấp (web, SMS, Zalo); cấp gần 170.000 tài khoản cho giáo viên, học sinh để dạy học trực tuyến. Ðà Nẵng đã triển khai ứng dụng y tế điện tử tại 100% trung tâm y tế xã, phường, ứng dụng quản lý bệnh viện và khám, chữa bệnh điện tử tại toàn bộ 16 trung tâm y tế quận, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, tích hợp thanh toán viện phí trực tuyến, bảo hiểm y tế. Hình thành hồ sơ y tế điện tử công dân và quản lý mã bệnh nhân toàn thành phố, với 1.367.268 dữ liệu người dân, tích hợp, đồng bộ dữ liệu khám, chữa bệnh với tất cả 16 bệnh viện và tất cả 56 trạm y tế xã, phường trên địa bàn thành phố. Vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, các hệ thống này đã phát huy hiệu quả, như: dạy học, tuyển sinh trực tuyến, đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến.
Hệ thống thông tin CQÐT được Ðà Nẵng đưa vào sử dụng từ tháng 7-2014, triển khai các ứng dụng dùng chung phục vụ hoạt động nội bộ của các cơ quan, cấp cho 100% cán bộ, với gần 20.000 tài khoản sử dụng thư điện tử; 100% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) ứng dụng một cửa điện tử, gửi, nhận liên thông văn bản bốn cấp chính quyền; 99% số văn bản điện tử gửi liên thông không gửi kèm bản giấy. Triển khai ứng dụng Chatbot hướng dẫn TTHC dịch vụ công, hiện đã có hơn 103.000 lượt giải đáp tự động, trung bình 4.000 lượt/tháng. Tháng 7-2019, Ðà Nẵng đưa Cổng dịch vụ công trực tuyến vào hoạt động. Hiện, toàn thành phố có 97% số TTHC triển khai trực tuyến; 50% số dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 so với chỉ tiêu Chính phủ đề ra. Ðến nay, đã cấp phát khoảng 130.000 tài khoản công dân, doanh nghiệp điện tử. Sử dụng dữ liệu công dân điện tử để tự động điền vào các biểu mẫu eform, phôi, giấy biên nhận để thuận lợi cho người dân và cán bộ, công chức. Người dân được thụ hưởng việc thí điểm cấp phát giấy tờ tự động, không phải đến bộ phận một cửa để nhận kết quả.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ðà Nẵng Nguyễn Quang Thanh, việc xây dựng TPTM, đô thị thông minh phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, theo lộ trình đã xác định và thực hiện nhiều năm. Ðến năm 2030, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN như Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Ðà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã xác định. Ðà Nẵng đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu là tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo thành phố với các cam kết cụ thể. Sự đồng thuận từ các địa phương, đơn vị, nguồn lực về con người, nguồn lực về tài chính đóng vai trò quan trọng. Những thành quả bước đầu này sẽ tạo đà cho Ðà Nẵng sớm đạt tới đích đặt ra.
Đà Nẵng dẫn đầu cả nước trong 11 năm liên tiếp (2009 - 2019) về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index). Cuối năm 2020, Ðà Nẵng vinh dự đón nhận giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2020” (Vietnam Smart City Award 2020). Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định: Ðà Nẵng xây dựng TPTM dựa trên nguyên tắc cốt lõi là lấy người dân làm trung tâm, khảo sát và dựa trên nhu cầu thực tế, giúp mọi người dân đều được hưởng thành quả. Hiện nay, Ðà Nẵng đang phát triển hạ tầng đường dẫn, hệ thống dữ liệu, hạ tầng in-tơ-nét để phục vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, phát triển đô thị thông minh, phát triển các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, các cấp, dịch vụ phục vụ người dân. Xây dựng Ðà Nẵng trở thành thành phố cấp quốc gia, hiện đại, năng động, sáng tạo, thông minh, phát triển theo hướng kinh tế tri thức, là trung tâm khởi nghiệp - đổi mới - sáng tạo có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển vùng, là trung tâm kinh tế đóng vai trò động lực tăng trưởng và phát triển của vùng duyên hải miền trung - Tây Nguyên.