Vùng Trung Bộ cần giải quyết các vấn đề về hoàn thiện và đồng bộ kết cấu cơ sở hạ tầng, tạo sự lan tỏa và kết nối các địa phương trong vùng, đổi mới phương thức hợp tác giữa các địa phương, vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: VGP/Minh Trang
Đó là vấn đề nêu lên tại Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững vùng Trung Bộ Việt Nam” do Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ tổ chức vào ngày 18/12.
PGS.TS. Hồ Việt Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, cho biết trong giai đoạn từ 2010 đến nay, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã đạt được những thành tựu quan trọng về tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng GRDP bình quân toàn vùng giai đoạn 2011-2019 đạt 8,14%, cao hơn mức tăng trưởng trung bình chung của cả nước (6,2%/năm). Nhìn chung, hầu hết các địa phương nội vùng đều duy trì được mức tăng trưởng cao. Đặc biệt, trong giai đoạn này, các địa phương trong vùng có mức tăng trưởng du lịch khá cao, khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương trong vùng; các vấn đề an sinh xã hội được giải quyết, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.
“Việc hoàn thiện và đồng bộ cơ sở hạ tầng là một trong những yêu cầu cấp thiết trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hiện nay, ngoài các tuyến giao thông có từ trước là tuyến Quốc lộ 1, vùng mới chỉ có 2 tuyến được đầu tư xây dựng đó là tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, tuyến La Sơn-Túy Loan nối Huế-Đà Nẵng. Các tuyến kết nối với khu vực phía Tây chưa được đầu tư và kết nối mạnh. Ngoài ra, một số dự án hạ tầng có tác động thúc đẩy, vai trò lan tỏa, cung cấp nguồn nhân lực cao cho vùng và khu vực, đã kéo dần gần 20 năm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển của vùng”, PGS.TS. Hồ Việt Hạnh nhấn mạnh.
PGS.TS. Hồ Việt Hạnh cũng phân tích, việc đẩy mạnh liên kết, tránh sự đầu tư dàn trải và cạnh tranh giữa các địa phương trong cùng cũng đã và đang đặt ra yêu cầu hết sức cấp thiết. Hiện nay, tình trạng trải thảm đỏ trong thu hút đầu tư ở các tỉnh trong vùng còn phổ biến, dẫn đến tình trạng manh mún, không phát huy được hiểu quả trên lợi thế so sánh và tổng hợp của vùng.
Từ đó, PGS.TS. Hồ Việt Hạnh đề xuất giải pháp chính sách chính sách thúc đẩy phát triển bền vững Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, đó là tăng cường vai trò của Ban Điều phối vùng, Tổ chức tư vấn vùng trong thực thi và triển khai chính sách phát triển. Nâng cao vai trò của Ban Điều phối vùng trong việc tiến hành quy hoạch, thẩm định quy hoạch của các địa phương trong vùng. Ban Điều phối xây dựng các chương trình hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương theo hướng tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương trong vùng cần xây dựng chương trình hành động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Các chương trình hành động được xây dựng trên cơ sở đồng thuận, liên ngành và bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.
Đề cập đến kinh tế ven biển và biển vùng Trung Bộ, TS. Bùi Thanh Tuấn, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an (Bộ Công an), cho biết khu vực ven biển và biển vùng Trung Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cả về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Vùng hiện nay có 4 khu kinh tế ven biển, 4 cảng nước sâu, 4 sân bay, rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp, logistics gắn với cảng biển và du lịch. Tuy nhiên, đến nay, vị thế và tiềm năng của khu vực ven biển và biển vùng Trung Bộ chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả.
TS. Bùi Thanh Tuấn đề nghị vùng cần tập trung quy hoạch, triển khai xây dựng hành lang kinh tế Đông-Tây bằng việc chủ động thúc đẩy và tích cực tham gia vào các dự án phát triển tuyến đường vận tải chiến lược, tạo thành các luồng vận tải hàng hóa quy mô lớn giữa các cảng biển của Việt Nam, qua Lào và Thái Lan, với các cảng biển của Myanmar và Malaysia, ven vịnh Bengal trên Ấn Độ Dương. Đối với Việt Nam nói chung, khu vực ven biển và biển vùng Trung Bộ nói riêng, việc hình thành tuyến đường kết nối theo trục Đông-Tây sẽ tạo “cú hích” thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, chuyển một loạt cảng biển của Việt Nam từ cảng quốc gia thành cảng quốc tế, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội.
Các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu là một chủ đề mà nhiều đại biểu rất quan tâm khi nói đến sự phát triển bền vững của khu vực Trung Bộ. Thực tiễn hiện nay cho thấy, Trung Bộ đang gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề từ việc biến đổi khí hậu, là nơi xảy ra mật độ thiên tai bão lũ nhiều nhất của cả nước.
Theo TS. Trần Quyết Thắng, Đại học Nội vụ-Phân hiệu tại Đà Nẵng và Quảng Nam, chính quyền các tỉnh nên thành lập ra các ban lãnh đạo chuyên trách, các tổ hành động có cơ chế hành động linh hoạt, nhanh nhẹn, kịp thời đi đến từng địa phương để đưa ra phương hướng, chỉ đạo các hoạt động thực thi chinh sách bảo vệ môi trường một cách thiết thực, sát sao nhất. “Như vậy sẽ khiến cho chính sách bảo vệ môi trường không chỉ nằm ở trên cấp thành phố, Trung ương mà có thể đi xuống từng phường, từng xóm, khiến từng người dân hiểu được phương hướng và biện pháp của các chính sách. Đồng thời, các ban lãnh đạo, các tổ hành động này sẽ là những tổ chức giám sát chặt chẽ nhất đối với hiệu quả thực thi chính sách bảo vệ môi trường ở từng địa phương”, TS. Trần Quyết Thắng nói.