Ngày 6/8, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy đã làm việc với Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn.
Chương trình nhằm định hướng, mục tiêu phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu giai đoạn 2021-2025; giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa và định hướng triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 của Hà Nội.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện thành phố có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, Hà Nội phấn đấu có 7 thị xã, huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Về xây dựng xã nông thôn mới, Hà Nội có 355/382 xã (chiếm 92,9%) đạt chuẩn nông thôn mới, 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó Thành phố đã lựa chọn xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô theo hướng đồng bộ và toàn diện.
Về mục tiêu, Hà Nội phấn đấu đến năm 2021 có 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025, có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới Thủ đô, 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới...
Tại cuộc họp, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, việc xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh đô thị hóa huyện có gặp những khó khăn về việc cần làm thế nào để vừa bảo tồn và phát triển làng cổ trong đô thị hóa; giữ nét văn hóa của vùng đất Kinh Bắc, xứ Đoài. Bí thư Huyện Gia Lâm ông Lê Anh Quân cũng chia sẻ, Gia Lâm có 1 phần diện tích quy hoạch trong đô thị, 1 phần quy hoạch ngoài đô thị. Vùng ngoài quy hoạch đô thị xây dựng nông thôn mới nhưng sau này phấn đấu thành quận thì như thế nào? Vì vậy, Thành phố và Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội có 5 huyện chuẩn bị lên quận rất cần có hướng đi mới trong xây dựng nông thôn mới để tiệm cận với các tiêu chí của đô thị tương lai. Thành phố cũng mong muốn Bộ NN&PTNT hỗ trợ 1 sàn giao dịch nông sản, 1 trung tâm thiết kế, quảng bá sản phẩm OCOP mang tầm quốc gia.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các xã, huyện xây dựng nông thôn mới để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2020. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Nội nên cân nhắc lại các chỉ tiêu đặt ra, như: Đến năm 2025 có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong khi Trung ương đặt mục tiêu 40%. Do đó, Hà Nội cần phấn đấu đạt cao hơn.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng mô hình làng thông minh trong nông thôn mới, Hà Nội có thể tham khảo để đưa vào mô hình quản trị nông thôn tại 2 xã sẽ triển khai mô hình nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô.
Bên cạnh đó cần chú ý đến môi trường, nhất là việc xử lý rác tại nguồn; quan tâm đến an ninh trật tự ở các xã ven đô. Vấn đề thu nhập của nông thôn và thành thị còn chênh lệch rất xa, vì vậy Thủ đô cần phát triển các mô hình kinh tế ở nông thôn để tạo việc làm, thu nhập cho nông dân. Đối với Chương trình OCOP, quan trọng nhất là phải bảo đảm được chất lượng để sản phẩm đứng được trên thị trường. Về việc xây dựng trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã nhất trí với đề xuất của Hà Nội và Bộ NN&PTNT sẽ bàn sâu về cơ chế với thành phố trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, mặc dù là Thủ đô nhưng khu vực nông thôn của Hà Nội rất lớn. Trong giai đoạn 2015-2020, Hà Nội là điểm sáng của cả nước trong xây dựng nông thôn mới với số xã đạt chuẩn là 355 xã. Hiện nay, Hà Nội đang chủ động xây dựng chương trình để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Theo gợi ý của Bộ NN&PTNT, Hà Nội sẽ nâng tỷ lệ xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Hà Nội cũng đề nghị Trung ương có định hướng cho thành phố trong xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa. Mục tiêu của thành phố sẽ có 5 huyện phát triển thành đô thị trong nhiệm kỳ 2020-2025 nhưng Thành phố yêu cầu nền tảng phải là huyện nông thôn mới, đề nghị trung ương hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị Trung ương sớm thẩm định các huyện nông thôn mới năm 2020 Hà Nội đang trình Trung ương để làm kết quả chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố sắp diễn ra; hỗ trợ mô hình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.