Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Canon, Khu công nghiệp Phố Nối A.
Tạo môi trường đầu tư thuận lợi
Trưởng Phòng Quản lý đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, Phạm Xuân Khoa giới thiệu: Tỉnh Hưng Yên có 10 khu công nghiệp, tổng diện tích khoảng 2.500 ha đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch. Hiện có bảy khu công nghiệp đi vào hoạt động tiếp nhận 435 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư hơn 25 nghìn tỷ đồng và 4 tỷ USD; trong đó, Khu công nghiệp Phố Nối A, khu công nghiệp dệt may, khu công nghiệp Thăng Long II đã cơ bản lấp đầy. Điển hình nhất là khu công nghiệp Thăng Long II, đây là khu công nghiệp hình mẫu của tỉnh Hưng Yên, có diện tích khoảng 345 ha, được lấp đầy bởi gần 100 dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư hơn 2,5 tỷ USD. Khu công nghiệp Thăng Long II được đầu tư xây dựng bài bản, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuận hiện đại, công nghệ xử lý nước thải tiên tiến. Phần lớn các dự án đầu tư trong khu công nghiệp Thăng Long II có công nghệ tiến tiến, công nghệ cao, như: Dự án sản xuất máy điều hòa nhiệt độ của Công ty Cổ phần Daikin Air conditioning Việt Nam, vốn đầu tư đăng ký hơn 82 triệu USD; dự án sản xuất thiết bị vệ sinh và các phục kiện của Công ty TNHH Toto Việt Nam, vốn đầu tư đăng ký 281 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất bảng mạch in dùng cho các thiết bị điện tử, vốn đầu tư đăng ký 100 triệu USD…
Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, xác định: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông để kết nối mạng lưới giao thông của tỉnh với hệ thống giao thông quốc gia và thu hút đầu tư là hai khâu đột phát phát triển kinh tế. Trong gần năm năm qua, tỉnh Hưng Yên đã tập trung đầu tư xây dựng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, đưa vào hoạt động các tuyến đường quan trọng của tỉnh để kết nối hệ thống đường trong tỉnh Hưng Yên với các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, các đường vành đai của Thủ Đô, các đô thị lớn, cảng biển, sân bay ở khu vực miền bắc, như: tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Hưng Hà, cầu La Tiến; đường tỉnh lộ 200, đường đê tả sông Hồng, đường đê tả sông Luộc…
Tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính; thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Hưng Yên, nơi cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ ba, mức độ bốn, thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết đối với thủ tục hành chính (TTHC) của 15 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Hưng Yên và một số cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh. Trung tâm phục vụ hành chính công hoạt động với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, là bước đi đột phá trong công tác cải cách TTHC ở tỉnh Hưng Yên, thể hiện ở ba phương diện: thái độ tích cực của chính quyền tỉnh đối với doanh nghiệp, sự cởi mở của chính quyền tỉnh đối với doanh nghiệp, khả năng phối hợp giữa các cơ quan trong bộ máy chính quyền trong việc giải quyết các công việc liên quan đến phục vụ doanh nghiệp. Thông qua hoạt động của Trung tâm, các TTHC được công khai, minh bạch; việc tiếp nhận, giải quyết các TTHC được giám sát, kiểm tra, đôn đốc và thực hiện nhất quán nhằm bảo đảm tiến độ trong quá trình giải quyết TTHC, đơn giản hóa quy trình, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển công nghiệp, cải cách hành chính, TTHC, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư… đã tạo điều kiện thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận 116 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 6.000 tỷ đồng và 378 triệu USD; nâng tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hưng Yên lên 1.928 (trong đó có 1.463 dự án trong nước và 465 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 133 nghìn tỷ đồng và hơn 4,7 tỷ USD. Có hơn 1.000 dự án đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho hơn 120 nghìn lao động; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên đạt 9,72. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 62,15%; thương mại, dịch vụ 29,41%; nông nghiệp, thủy sản 8,44%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn gần 15 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so năm 2018; là tỉnh cân đối thu, chi ngân sách, nộp ngân sách lên Trung ương. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 74,57 triệu đồng/người/năm. Kim gạch xuất khẩu đạt hơn 4,7 tỷ USD….
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần nhựa Hưng Yên, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Theo kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2019, chỉ số PCI của tỉnh Hưng Yên đã có nhưng tiến bộ so năm trước. Tổng điểm số đạt 63,6 điểm, tăng 2,94 điểm, xếp hạng 55 so cả nước tăng ba bậc so năm 2018. Trong đó, có năm chỉ số tăng điểm, cao nhất là chỉ số tiếp cận đất đai đạt 7.85 điểm, tăng 2,16 điểm đứng thứ hai toàn quốc. Đây là chỉ số thành phần quan trọng tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án với nhiều chỉ tiêu được đánh giá tích cực như: tỷ lệ doanh nghiệp có mặt bằng kinh doanh và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 46%, tăng 8% so năm 2018; tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện TTHC đất đai trong vòng hai năm qua không gặp khó khăn đạt 65%, tăng 43%; doanh nghiệp không gặp cản trở về tiếp cận, mở rộng mặt bằng kinh doanh là 53%, tăng 13%…
Tuy nhiên, có năm chỉ số giảm điểm so năm 2018: Gia nhập thị trường, giảm 1,32 điểm, xuống còn 6,18; chi phí thời gian giảm 0,97, còn 5,85 điểm; tính năng động giảm 0,24 điểm, còn 5,95; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm 0,24 điểm, còn 6,17; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự giảm 0,21, còn 6,08 điểm. Lý giải về giảm điểm, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Hưng Yên, Vũ Ngọc Bảo cho rằng: Tỉnh Hưng Yên có chủ trương không tiếp nhận dự án đầu tư rời lẻ, nằm ngoài khu, cụm công nghiệp; trong trường hợp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp phải là những khu đất nằm xen kẹp giữa các dự án đầu tư trước khi có chủ trương này, nên việc xem xét, tiếp nhận các dự án nằm ngoài khu, cụm công nghiệp rất thận trọng, thời gian cũng dài hơn nhiều so với các dự án đầu tư vào khu cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch. Hưng Yên có rất nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và phê duyệt quy hoạch cũng mất nhiều thời gian nên chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng đối với dự án nằm ngoài khu, cụm công nghiệp gặp khó khăn do bình quân ruộng đất trên đầu người thấp (khoảng hơn sào/khẩu), thu nhập từ sản xuất nông nghiệp khá cao nên việc thỏa thuận đền bù, hỗ trợ cho người dân “mất” đất thường kéo dài thời gian; việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số doanh nghiệp còn gặp vướng mắc về cơ chế, giữa các Luật còn chồng chéo giữa Luật Đất đai, Luật Đấu thầu…
Trong bốn tháng đầu năm 2020, nền kinh tế tỉnh Hưng Yên chịu tác động của đại dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng chưa cao: Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng thấp 0,67%. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước được 20 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 612 tỷ đồng và 25 triệu USD, giảm 50% số dự án và giảm 1.826 tỷ đồng và 62 triệu USD so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,2 tỷ USD, giảm 4,21% so cùng kỳ năm trước; kim gạch nhập khẩu đạt hơn 1,1 tỷ đồng, giảm hơn 10% so cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp chỉ tăng 6,76% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,32%). Hàng nghìn doanh nghiệp khó khăn về vốn, sản xuất, kinh doanh; hơn 15 nghìn lao động bị ảnh hưởng ở các mức: mất việc làm, thiếu việc làm, tạm ngừng làm việc, giảm thu nhập…
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên, Đặng Ngọc Quỳnh cho biết: tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp: Đẩy mạnh cải các hành chính, thủ tục hành chính; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhất là các giải pháp nâng cao chỉ số gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp. Hoàn thành thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư khu công nghiệp (KCN) số 1, KCN số 2, KCN số 3 thuộc KCN đô thị-dịch vụ Lý Thường Kiệt rộng khoảng 3.000 ha (KCN đô thị - dịch vụ Lý Thường Kiệt có tám khu công nghiệp, cảng thông quan nội địa, dịch vụ Logistic và khu đô thị sinh thái, nhà ở cho công nhân). Hoàn thành thủ tục mở rộng KCN Thăng Long II giai đoạn 3 lên 550 ha, KCN Yên Mỹ II, và các cụm công nghiệp để tiếp nhận các dự án đầu tư trong và ngoài nước; nhất là các dự án của doanh nghiệp Nhật Bản, dự án sử dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, dự án tạo nhiều việc làm có thu nhập cao, đóng góp lớn cho ngân sách… Đây là khâu đột phá để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh Hưng Yên trong nhiều năm tới. Hoàn thành các thủ tục cần thiết để thi công giai đoạn II đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và hạng mục cầu vượt nút giao Quốc lộ 39; đẩy nhanh tiến độ thi công đường vành đai 3,5 và vành đai 4. Đẩy nhanh tiến độ thành lập, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tích cực thu hút doanh nghiệp vào các KCN, cụm công nghiệp. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo quyết liệt công tác chuẩn bị đầu tư; thực hiện các dự án đầu tư, nhất là tiến độ đầu tư và giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ định hướng chuyển đổi nguồn cung ứng nguyên vật liệu nhập khẩu và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử…