Tuyên bố chung ngày 7/4 nêu rõ công ty mới sẽ được gọi là LafargeHolcim, giữ vị trí độc nhất tại 90 quốc gia và sẽ có sự cân bằng giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển với mức tăng trưởng mạnh.
Thỏa thuận này được mô tả là "một sự hợp nhất bình đẳng" trên cơ sở một cổ phần của Holcim tương đương với một cổ phần của Lafarge. Đây là một sự kiện lớn trong ngành công nghiệp xây dựng toàn cầu và là thương vụ lớn chưa từng có trong ngành sản xuất ximăng thế giới.
Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ phải đối mặt với cuộc điều tra lâu dài từ các nhà quản lý cạnh tranh, vì công ty mới này sẽ có thể thống trị thị trường ximăng tại châu Âu và Mỹ. Hai tập đoàn đã cam kết bán tài sản để phòng ngừa trước sự phản đối chống độc quyền từ các cơ quan quản lý cạnh tranh.
Trên thị trường chứng khoán Thụy Sĩ, giá cổ phiếu của Holcim đã tăng 5,24% lên 84,40 franc ngay đầu phiên giao dịch và tại Paris, giá cổ phiếu Lafarge tăng 4,57% lên 67,02 euro.
Cổ phiếu của cả hai công ty này đều đã tăng lên ngay từ khi có những tin đồn về các cuộc đàm phán sáp nhập trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 4/4.
Giá cổ phiếu của hai công ty đã nhảy lên mức cao nhất trong vòng bốn năm qua khi cổ phiếu của công ty Lafarge tăng 9% và cổ phiếu của công ty Holcim tăng 7%, đẩy giá cổ phiếu của toàn ngành ximăng tăng cao.
Theo các số liệu trong tuyên bố chung, công ty mới LafargeHolcim sẽ sử dụng 136.000 nhân công trên khắp các quốc gia nơi công ty hoạt động. Công ty mới sẽ giữ vị trí lớn mạnh như một nhà cung cấp các đầu vào cơ bản cho tất cả các loại công trình xây dựng, một lĩnh vực mà trong đó các công nghệ mới đang được sử dụng ngày càng nhiều những vật liệu bao gồm ximăng.
Còn giám đốc điều hành Lafarge, Bruno Lafont nhận xét sự kết hợp của hai công ty sẽ thiết lập tập đoàn tiên tiến nhất trong ngành công nghiệp xây dựng vì lợi ích của khách hàng, các nhân viên và các cổ đông của công ty.
Công ty mới sẽ có doanh thu hàng năm 32 tỷ euro (44 tỷ USD). Việc sáp nhập sẽ cho phép hai công ty cắt giảm chi phí, các khoản nợ và đối phó tốt hơn với giá năng lượng tăng cao và nhu cầu giảm đã làm tổn thương ngành này kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Lafarge hiện có sự hiện diện mạnh mẽ ở châu Phi và Trung Đông, trong khi Holcim hoạt động mạnh mẽ tại châu Mỹ Latinh.
Holcim thành lập năm 1912 tại Thụy Sĩ và là hãng ximăng lớn nhất thế giới. Hiện Holcim hoạt động tại 70 quốc gia với 71.000 nhân viên. Còn Lafarge hiện đang sử dụng khoảng 65.000 lao động tại 64 quốc gia.
Trước đó, Lafarge đã sáp nhập với Tarmac, doanh nghiệp Mỹ-Anglo của Anh sau khi cả hai đồng ý yêu cầu bán một số lượng lớn tài sản theo chỉ định của cơ quan chống độc quyền Anh.
Công ty mới sẽ được niêm yết trên cả thị trường chứng khoán Paris và Zurich với hy vọng có thể hoàn tất thỏa thuận vào quý đầu tiên của năm 2015. Công ty mới sẽ có cơ quan điều hành ở cả hai nước./.
Theo : TTXVN/Vietnam+