Theo tính toán của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng), hiện lực lượng tham gia vào hoạt động của ngành xây dựng lên tới hàng trăm ngàn người, bao gồm cả cán bộ, viên chức trong các doanh nghiệp. Đáng chú ý, số lượng công nhân chỉ gấp hơn 2 lần số lượng cán bộ, viên chức.
Khảo sát thực tế cho thấy, năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ công nhân lao động chuyên ngành được đánh giá là vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, số lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề chỉ chiếm tỷ lệ 11,8%; số thợ bậc cao (bậc 6, 7) chỉ chiếm khoảng 7% nhân lực ngành.
Cơ cấu bình quân hiện nay ở Việt Nam giữa kỹ sư - trung cấp chuyên nghiệp - công nhân học nghề lần lượt tương ứng tỷ lệ 1 - 1,3 - 0,5; trong khi ở các nước trên thế giới bình quân là 1 - 4 - 10. Tỷ lệ này ở Việt Nam phản ánh tình trạng thừa thầy, thiếu thợ và đây cũng là câu chuyện đang diễn ra với nhiều ngành khác.
Tại các công trình, đa số người lao động theo nghề xây dựng một cách ngẫu nhiên. Nhiều người thợ đi lên bằng con đường tự học và thường bắt đầu bằng công việc lao động phổ thông. Số lượng người được đào tạo nghề có tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành và không cân đối giữa các trình độ đào tạo.
Các chuyên gia nhận định, chính thực trạng này là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp, tiến độ chậm, chất lượng sản phẩm còn nhiều sai phạm; có nguy cơ làm giảm sức cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa, hạn chế về năng lực khi tham gia vào thị trường quốc tế và khối cộng đồng chung ASEAN.
Hướng tới mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020, nhu cầu nguồn nhân lực như: kỹ sư xây dựng, kỹ sư công trình, kiến trúc sư... của các doanh nghiệp, nhà thầu cũng tăng lên. Dự báo, nhu cầu nhân lực ngành xây dựng mỗi năm tăng thêm 400.000 - 500.000 người.
Cùng đó, mục tiêu phát triển nhân lực ngành xây dựng sẽ tăng từ 2,9 triệu người năm 2010 lên khoảng 5 triệu người vào năm 2015 và khoảng 8 - 9 triệu người vào năm 2020. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo tăng từ mức 41% năm 2010 lên khoảng 60% năm 2015 và đạt khoảng 65% năm 2020.
Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho rằng, cần phải đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; tăng cường giải pháp đào tạo nội dung yêu cầu theo địa chỉ, theo cơ chế đặt hàng để cả cán bộ và công nhân ra trường là có việc làm ngay chứ không phải đào tạo lại.
Cùng đó, cần tăng cường các khóa học đào tạo cập nhật kiến thức mới. Đối với trường dạy nghề, cần có cơ chế chính sách và nguồn kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất, phục vụ cho giảng dạy sát với yêu cầu thực tế; tạo cơ chế chính sách đãi ngộ với các thợ bậc cao, thợ cả truyền nghề cho lớp trẻ./.
Theo TTXVN