Từ khi Luật Khoáng sản năm 2010 được ban hành và có hiệu lực, hầu như việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã dừng lại. Trong thời gian này, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ cấp thêm 3 giấy phép khoáng sản gồm 2 giấy phép khai thác cát bồi nền nhưng đến nay đã hết hạn và 1 dự án khai thác đá xây dựng; 6 tháng đầu năm 2015 không có dự án khai thác nào được cấp phép mới.
Trong khi đó nhu cầu vật liệu phục vụ cho nhu cầu xây dựng của nhân dân, cho dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A, xây dựng các công trình dự án của tỉnh, xây dựng giao thông nông thôn trong bộ tiêu chí mới và để duy tu sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật đang rất bức xúc và hết sức cần thiết. “Có cầu ắt có cung”, đó là phát sinh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép xuất hiện rầm rộ, kéo dài ở nhiều nơi vừa gây mất trật tự, vừa ô nhiễm môi trường và gây thất thu cho ngân sách.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên. Trước hết là do các quy định về thủ tục xin cấp giấy phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo Luật Khoáng sản 2010 yêu cầu như những khoáng sản quý hiếm (vàng, bạc, titan, than đá) là quá phức tạp, mất nhiều thời gian. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010 ban hành chậm; hiện việc lập hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản phải tạm dừng vì chờ thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Môi trường 2014.
Đối với các dự án xin cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định chủ đầu tư phải tổ chức thăm dò, báo cáo đánh giá trữ lượng, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đền bù quyền sử dụng đất của người dân trong khu vực mỏ, lập các thủ tục thuê đất và lập hồ sơ để được quyền khai thác khoáng sản theo quy định nên chi phí rất lớn, do đó một số chủ dự án đã làm thủ tục trả lại mỏ. Các khu vực được HĐND tỉnh thông qua không đấu giá quyền khai thác khoáng sản hiện nay vẫn chưa có khu vực nào tiến hành khai thác do phải tiến hành thăm dò, đánh giá trữ lượng và thực hiện các thủ tục quy định…
Trước tình hình trên, để bảo đảm việc khai thác khoáng sản làm vật xây dựng thông thường đáp ứng nhu cầu xã hội, thiết nghĩ UBND tỉnh cần chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được HĐND tỉnh thông qua để giải quyết bức xúc trong xây dựng giao thông nông thôn và nhu cầu xây dựng công trình của nhân dân địa phương. Đồng thời sớm ban hành các thủ tục quy định để tiến hành đấu giá các khu vực được đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Nguồn nguyên liệu sét cho các lò gạch hoffman và tuynel ở Tánh Linh trong 2 - 3 năm nay gặp nhiều khó khăn, thiếu nguồn nguyên liệu do các mỏ sét được cấp vướng vào đất lúa theo quy hoạch. Sở Tài nguyên - Môi trường và huyện Tánh Linh cần có sớm nghiên cứu đề xuất tỉnh có giải pháp gỡ khó về nguyên liệu để đưa các lò gạch đi vào sản xuất hiệu quả. Đối với nhu cầu cải tạo đồng ruộng của người dân ở các địa phương, nhất là địa bàn Đức Linh, Tánh Linh cần có chính sách linh hoạt, hợp lý, hợp tình trong việc giải quyết lượng đất dôi dư để hạn chế tình trạng người dân đổ đất ven đường giao thông làm mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án khai thác mỏ được cấp phép, cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các hành vi khai thác trái phép gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, vệ sinh môi trường và thất thu cho ngân sách nhà nước.
Theo ximang.vn