Nhiều dự án xi-măng lớn
Vừa qua, Tập đoàn Xuân Thành đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị dây chuyền II Nhà máy Xi-măng Xuân Thành (Hà Nam) công suất 12.500 tấn clanh-ke/ngày với nhà thầu FLSmidth (Đan Mạch), nâng tổng công suất của nhà máy lên 4,5 triệu tấn xi-măng/năm. Theo Chủ tịch Tập đoàn Nguyễn Xuân Thành, dự án dây chuyền II sẽ bảo đảm cung ứng cho thị trường xi-măng trong nước và xuất khẩu (XK), đáp ứng nhu cầu clanh-ke cho các trạm nghiền của Tập đoàn tại các nước châu Âu, châu Phi. Cũng tại tỉnh Hà Nam, một dự án khá lớn là Xi-măng Thành Thắng (dây chuyền II của Nhà máy Xi-măng Thanh Liêm), do Công ty CP Đầu tư Thành Thắng Group làm chủ đầu tư, đang ở giai đoạn chuẩn bị thủ tục đầu tư để tiến tới khởi công xây dựng với công suất 2,3 triệu tấn/năm. Trong số các dự án xi-măng lớn sắp đưa vào vận hành, phải kể đến dự án Xi-măng Sông Lam 1 tại tỉnh Nghệ An, do Tập đoàn Xi-măng The Vissai mua lại từ Công ty CP Xi-măng Đô Lương. Đây là dự án có công suất lớn, khoảng 7,2 triệu tấn/năm. Giai đoạn I của nhà máy hiện đang xây dựng, gồm hai dây chuyền, tương đương bốn triệu tấn/năm.
Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới nhận định, tổng công suất ba dự án trên sẽ bổ sung nguồn cung xi-măng thêm gần 11 triệu tấn/năm. Đây đều là những dự án nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt và sẽ đưa vào vận hành vào khoảng năm 2018 - 2019, khớp với dự báo đến năm 2019, tổng công suất các nhà máy xi-măng khoảng 95 triệu tấn, trong đó sẽ dành cho XK 17 triệu tấn (17 - 19%). Trong năm nay, chỉ có thêm dây chuyền II của Xi-măng Công Thanh (Thanh Hóa), công suất 3,6 triệu tấn/năm sẽ được Tập đoàn Công Thanh đưa vào vận hành trong quý III nên nhìn chung tác động đến thị trường xi-măng không cao. Tuy nhiên, theo tính toán, tại thời điểm năm 2019, nguồn cung xi-măng sẽ vẫn tiếp tục dư thừa, do vậy sức ép cạnh tranh rất lớn.
Tiếp đà phục hồi của thị trường bất động sản, tiêu thụ xi-măng trong nước mấy tháng qua có sự cải thiện đáng kể. Trong năm tháng đầu năm, tiêu thụ đạt 27,19 triệu tấn, bằng 37,7% kế hoạch cả năm; XK giảm khoảng 15%, tiêu thụ trong nước tăng hơn 10% so cùng kỳ. Điều này phản ánh đúng thực tế khi đã bắt đầu vào mùa xây dựng, điều kiện thời tiết thuận lợi, tiêu thụ trong nước tăng thì XK giảm. Đồng thời, giá bán xi-măng tháng 5 nhìn chung vẫn ổn định mặc dù giá một số nguyên liệu đầu vào như điện, xăng dầu đã điều chỉnh tăng. Tồn kho xi-măng hiện nay khoảng 2,73 triệu tấn, tương đương 15 ngày sản xuất.
Xuất khẩu - giải pháp điều hòa hiệu quả
Khó khăn lớn nhất đối với nhiều nhà máy xi-măng là vấn đề trả nợ đầu tư dây chuyền mới. Một số dây chuyền được hưởng lợi khi vay đầu tư bằng đồng ơ-rô, nhưng số khác lại gặp bất lợi khi vay bằng đồng USD.Vụ trưởng Lê Văn Tới nhận định, chênh lệch tỷ giá trong quá trình trả nợ đầu tư mang tính "hên xui". Chẳng hạn, một số dây chuyền của Tổng công ty Công nghiệp Ximăng Việt Nam (Vicem) thời điểm hiện tại đang được hưởng lợi do vay bằng đồng ơ-rô, nhưng cũng phải có sự tính toán lâu dài cho cả quá trình trả nợ vì không thể dự đoán chính xác biến động tỷ giá sau này. Việc cần thiết nhất vẫn là tăng cường hiệu quả quản trị DN, đẩy mạnh tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh, nhất là trong điều kiện nguồn cung vẫn vượt cầu trong thời gian tới. Chánh văn phòng Vicem Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Vicem cũng đã đưa ra dự báo từ đầu năm về các khả năng biến động chi phí, như nguyên liệu đầu vào, tỷ giá, khả năng trả nợ,... để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho cả năm. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn hệ thống sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm nhằm tránh sự chồng chéo, cạnh tranh nội bộ giữa các đơn vị thành viên. Một trong những kênh tiêu thụ quan trọng là XK sản phẩm xi-măng, tuy nhiên đã không đạt như mong đợi. Năm tháng qua, cả nước XK khoảng 5,85 triệu tấn sản phẩm, trong đó có 1,9 triệu tấn xi-măng, so với cùng kỳ giảm 15% và mới chỉ đạt gần 30% kế hoạch năm. Nguyên nhân một phần do tình hình tiêu thụ trong nước cải thiện, mặt khác các DN xi-măng chưa có sự thống nhất cao, dẫn đến những cạnh tranh không cần thiết khi XK và bị các đối tác nước ngoài ép giá. Trong khi đó, giá bán sản phẩm của một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc,... có chiều hướng giảm sút, càng khiến sức ép cạnh tranh đè nặng. Mặc dù XK xi-măng vẫn có hiệu quả, song không cao bằng các năm trước. Dự báo năm nay, XK xi-măng sẽ khó đạt được con số hơn 20 triệu tấn như năm vừa qua.
Chủ tịch HĐTV Vicem Lương Quang Khải cho rằng, các DN sản xuất xi-măng ở các nước trên thế giới, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng đều tính đến XK bởi vì xi-măng là loại hàng hóa "mùa vụ". Đồng thời, đặc thù của ngành xi-măng là sản xuất liên tục, không được phép dừng lò sản xuất nên XK được coi là giải pháp điều hòa hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động. Do vậy, các DN XK xi-măng cần ngồi lại với nhau bàn thảo, thống nhất toàn bộ đầu mối XK, tập trung quản lý, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thống nhất giá bán để giữ uy tín và duy trì ổn định sản xuất kinh doanh. Thực tế đã chứng minh hiệu quả của việc liên kết khi giữa năm 2014 giá XK clanh-ke của Việt Nam đã tăng thêm 2 USD/tấn và Vicem mong muốn phát huy vai trò liên kết nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác XK các sản phẩm xi-măng.
Trong số 5,85 triệu tấn sản phẩm xi-măng XK năm tháng đầu năm, xi-măng đạt 1,9 triệu tấn, mới đạt tỷ trọng hơn 32%, còn lại là clanh-ke. Do vậy, các DN cần tập trung tìm kiếm, mở rộng thị trường XK trực tiếp xi-măng phù hợp vì xuất khẩu xi-măng đạt hiệu quả cao hơn so với clanh-ke, nhưng cũng cần lưu ý đặc thù của xi-măng dễ gặp nhiều rủi ro hơn.
LÊ VĂN TỚI
Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng)
Kinh nghiệm của Vicem là không nên gộp tất cả hợp đồng xuất khẩu dài hạn và ngắn hạn, mà nên phân chia tỷ lệ hợp lý. Phân chia sản lượng xuất khẩu như vậy, DN sẽ chủ động hơn về giá, sản xuất trong nước nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của giá xuất khẩu lên xuống
NGUYỄN ANH QUÂN
Trưởng phòng Quản lý thị trường và chính sách bán hàng (Vicem)
Theo nhandan.com.vn