Đối thoại chính sách về Quyền có chỗ ở của công dân

Thứ tư, 14/05/2014 07:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 13/5, đối thoại chính sách với chủ đề “Quyền có chỗ ở phù hợp: Vai trò của cộng đồng đô thị trong tiến trình phát triển nhà ở” được Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat), Hiệp hội các Đô thị Việt Nam (ACVN) và Liên minh Quyền Nhà ở Châu Á (ACHR) cùng với các cơ quan của Quốc hội… phối hợp tổ chức.

Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, ông Trần Đình Long - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội cho biết: “Mặc dù có nhiều cố gắng của cả Nhà nước và xã hội nhưng cho đến hiện nay, việc bảo đảm quyền có chỗ ở hợp pháp của công dân cũng còn nhiều hạn chế. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng dẫn đến sự dịch chuyển lao động, dân cư diễn ra ào ạt tại các đô thị. Vấn đề nhà ở đô thị trở nên cấp thiết, nhất là việc giải quyết nhà ở cho người lao động nhập cư, người có thu nhập thấp, đối tượng chính sách xã hội, sinh viên, người có đất bị thu hồi có nhu cầu tái định cư”…

“Đối thoại chính sách này sẽ cung cấp một nền tảng chia sẻ ý tưởng thực tế và tư vấn kỹ thuật trong việc thực hiện quyền được đề cập trong Hiến pháp Việt Nam. Nhà nước không có nghĩa vụ cung cấp đủ nhà ở cho tất cả các công dân nhưng Nhà nước có trách nhiệm tạo ra môi tường pháp lý thuận lợi để cho phép các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở, để những hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu về nhà ở có thể tham gia vào quá trình tạo lập nhà ở nhằm tìm kiếm nhà ở phù hợp, nhất là đối với những người có thu nhập thấp, người nghèo” – ông Long nhấn mạnh.

Hơn nữa, cuộc đối thoại chính sách này diễn ra tại thời điểm rất đặc biệt, đó là Hiến pháp năm 2013 vừa có hiệu lực, trong đó tiếp tục khẳng định quyền có nơi ở hợp pháp của công dân. Quốc hội đang rà soát sửa đổi, bổ sung các luật để cụ thể hóa Hiến pháp. Trong kỳ họp thứ 7 tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật nhà ở (sửa đổi), Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), thông qua Luật xây dựng (sửa đổi), trước đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Luật đất đai (sửa đổi). Như vậy, các luật liên quan đến nhà ở và bảo đảm của Nhà nước đối với quyền có nơi ở hợp pháp của công dân đã được quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện. Mục đích cuối cùng là đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu nhà ở của công dân. Do đó, cuộc đối thoại này là cơ hội quý giá để các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến của người dân về chính sách của Nhà nước về nhà ở.

Trong buổi đối thoại, đại diện của UN-Habitat, tiến sỹ Nguyễn Quang đã trình bày về những vấn đề, thách thức cùng với những kiến nghị về giải pháp cho thị trường nhà ở Việt Nam. Đây cũng là một trong những nội dung chính được rút ra từ báo cáo Hồ sơ Nhà ở Việt Nam mà UN-Habitat vừa xuất bản. "Có lẽ chúng ta nên làm rõ Quyền có nhà ở để mọi người đều hiểu rõ vai trò của chính mình trong quá trình phát triển nhà ở, đặc biệt là vai trò của Nhà nước và cộng đồng. Quyền có nhà ở phù hợp không yêu cầu Nhà nước xây dựng nhà ở cho toàn bộ người dân. Quyền này chỉ đòi hỏi môi trường tạo điều kiện, khung pháp lý tạo điều kiện và các giải pháp phù hợp để mọi người dân có thể tham gia tích cực cùng Nhà nước phát triển nhà ở" ông Nguyễn Quang cho biết.

Tài chính nhà ở cũng là một mảng quan trọng và chủ đề này cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Các tổ chức trong nước, quốc tế cũng như những đại diện từ các cộng đồng đô thị trong nước đã có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc huy động vốn cũng như những giải pháp tài chính vi mô có thể áp dụng với cộng đồng đô thị, đặc biệt là cộng đồng nghèo.

"Như Bác Hồ đã nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Và cộng đồng đã chứng minh được lời Bác dạy là luôn đúng. Họ đã cùng nhau đưa ra giải pháp cải tạo nhà ở cho những hộ gia đình có diện tích dưới chuẩn ở Khu tập thể may ở Hải Dương, cho khu dân cư tự phát ở Tân An, tháo gỡ quy hoạch treo ở Việt Trì, hay cùng nhau xây nhà giá rẻ của cộng đồng có thu nhập thấp ở một khu tập thể ở Thành phố Vinh. Trên cả nước có nhiều ví dụ, nhiều sáng kiến của cộng đồng rất thực tế và hiệu quả trong việc cải tạo và phát triển nhà ở. Khi có môi trường tạo điều kiện, cùng với sự giúp đỡ của những tổ chức trong nước cũng như quốc tế, cộng đồng sẽ là nhân tố chính trong tiến trình này" bà Vũ Thị Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội các Đô thị Việt Nam chia sẻ.

Trong buổi đối thoại, rất nhiều câu hỏi, quan tâm của các vị đại biểu về những trở ngại về pháp lý, thể chế và làm thế nào để nâng cao vị thế của cộng đồng đô thị cũng được trao đổi tích cực.

Các kết quả và ý kiến đóng góp trong quá trình đối thoại chính sách sẽ được tổng hợp và gửi đến Quốc hội, các cơ quan ban ngành có liên quan, các đại biểu tham dự và đến công chúng. Về phía Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội Trần Đình Long cũng nhấn mạnh: Các kiến nghị, sáng kiến, giải pháp tại cuộc đối thoại này là những thông tin tham khảo có giá trị đối với các đại biểu Quốc hội trong việc quyết định ban hành các luật liên đến nhà ở nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu nhà ở của công dân.

Theo : Báo Hà Nội Mới điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)