QL1A đoạn An Sương - An Lạc thuộc tuyến đường vành đai 2 của Tp.HCM được cải tạo nâng cấp và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2005. Từ đó tuyến đường đã góp phần hình thành một hành lang giao thông nhằm giải tỏa áp lực giao thông ở nội ô Tp.HCM, gắn kết giữa đường Xuyên Á và QL1A tạo thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển kinh tế là tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã hình thành các khu dân cư đông đúc, nhiều nhà máy, xí nghiệp lớn, tập trung đông công nhân dọc theo tuyến đường này. Từ đó đã ảnh hưởng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là khu vực Ngã tư Bà Hom gần khu công nghiệp Tân Tạo và khu vực trước Cty Pouchen thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài, số lượng vụ tai nạn giao thông ngày càng tăng. Trước thực tế nêu trên, đồng thời để từng bước hoàn thiện về tổ chức giao thông trên tuyến QL1A đoạn An Sương - An Lạc theo nội dung quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải Tp.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020. Cty IDICO-IDI đã đề nghị UBND Tp.HCM cho phép tiếp tục nghiên cứu, đầu tư bổ sung 2 cầu vượt giao cắt giữa QL1A với Tỉnh lộ 10, Tỉnh lộ 10B, lắp đặt dải phân cách giữa làn xe thô sơ và xe cơ giới. UBND thành phố đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Cty IDICO-IDI được đầu tư xây dựng bổ sung các hạng mục nêu trên để tăng cường năng lực thông xe, phòng chống tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 2241/TTg-KTN ngày 08/12/2010. Trên cơ sở đó, được sự ủy quyền của UBND thành phố, Sở Giao thông vận tải Tp.HCM đã ký kết Phụ lục Hợp đồng BOT số 3979/2011/PLHĐ-BOT của Hợp đồng điều chỉnh số 3599/HĐ/GTVT/KHĐT ngày 27/11/2003.
Theo đó, Cty IDICO-IDI xây dựng 2 cầu vượt tại điểm giao cắt giữa QL1A-Tỉnh lộ 10 và Tỉnh lộ 10B với quy mô cầu vượt bằng bê tông cốt thép, tuổi thọ 100 năm có vận tốc thiết kế từ 60-80km/h. Công trình được kết cấu bằng dầm super T với chiều dài tuyến Tỉnh lộ 10 là 802,2m và Tỉnh lộ 10B dài 680m. Đồng thời, lắp đặt mới dải phân cách phân giữa làn xe thô sơ và xe cơ giới có tổng chiều dài 2 bên trên 20km. Tổng mức đầu tư của dự án trên 704 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 15%, còn lại là của các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng tài trợ để thực hiện dự án.Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng sau thời gian 18 tháng thi công.
Ông Nguyễn Hồng Ninh - Giám đốc IDICO-IDI nhấn mạnh: “Việc thực hiện dự án này cùng với hiệu quả của dự án BOT cải tạo nâng cấp QL1A, đoạn An Sương - An Lạc đã thực hiện trong giai đoạn trước đã góp phần vào việc hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đô thị của Tp.HCM, nhằm hạn chế tai nạn và giảm ùn tắc giao thông, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Hiệu quả từ dự án BOT An Sương - An Lạc đã khẳng định hình thức đầu tư BOT, BTO, BT, PPP là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc phát huy nội lực, xã hội hóa công tác đầu tư các công trình hạ tầng, giao thông vận tải góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, đồng thời tạo uy tín và tiền đề cho các doanh nghiệp trong nước vươn tới các dự án trọng điểm khác trong khu vực.”
Ông Bùi Xuân Cường - Phó giám đốc Sở giao thông vận tải Tp.HCM cho biết: “việc khởi công bổ sung 2 nút giao thông của dự án BOT An Sương An Lạc là một trong những kế hoạch giảm ùn tắc giao thông của thành phố trong năm 2012. Đồng thời giúp hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đô thị đặc biệt là đường vành đai 2, tiến tới sẽ xây dựng đường vành đai 3 trong giai đoạn 2011-2015. Sở sẽ tạo điều kiện cùng chủ đầu tư hoàn thành nhanh chóng dự án theo đúng tiến độ đề ra...”.
Theo Báo Xây dựng điện tử