Buổi hội thảo có sự hiện diện của ông Nguyễn Mạnh Kiểm, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, ông Phạm Thế Minh, nguyên thứ trưởng Bộ giao thông vận tải, phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, ông Rudolf S. Hofmann, Giám đốc công ty Hofmann Projeckt (Đức), bà Lê Thu Nga, CEO công ty Cổ phần tư vấn AA, cùng đại diện nhiều doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Kiểm cho biết công nghệ xanh được hiểu là công nghệ sử dụng tối thiểu, sử dụng lại các tài nguyên thiên nhiên và năng lượng tái tạo với những giải pháp kỹ thuật tối ưu. Ngành xây dựng đã đi đầu ứng dụng các công nghệ xanh để xử lý đất yếu, sản xuất vật liệu, làm nhà ở, đường nông thôn, kênh thủy lợi và nhiều loại công trình hạ tầng áp dụng tại các đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, bờ biển và hải đảo. Trước thực trạng nước thải sinh hoạt chiếm 80% nước thải đô thị, trong đó chỉ có 6% lượng nước thải sinh hoạt được xử lý (theo JICA), hơn 80% các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam là do nguồn nước gây ra (theo thống kê của Bộ Y tế), 20.000 người tử vong do điều kiện nước và vệ sinh (theo WHO năm 2010)…, nguyên Bộ trưởng nhận định các kỹ sư và kiến trúc sư phải đi đầu trong phát triển và ứng dụng công nghệ xanh xử lý nước thải, đáp ứng nhu cầu chính đáng là được sống trong môi trường trong lành, khỏe mạnh của người dân, đồng thời giảm thiểu tác hại từ nước sinh hoạt trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng hiện nay của Việt Nam.
Tại buổi hội thảo, ông Rudolf S. Hofmann đã giới thiệu về công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt theo mô-đun của công ty Hofmann Projekt. Đây là hệ thống xử lý nước thải được sản xuất tại CHLB Đức, làm sạch nước thải sinh hoạt cho khu dân cư, nhà hàng, khách sạn, văn phòng tại hơn 25 quốc gia. Hệ thống xử lý nước thải công nghệ phản ứng mẻ làm sạch 98% nước thải trong vòng 6 tiếng đồng hồ, tiết kiệm 75% năng lượng so với các công nghệ khác, chi phí vận hành và bảo dưỡng rất thấp, ít tiếng ồn, không chứa hóa chất, bơm, cơ học và điện trong bể, rất linh hoạt nhờ thiết kế mô-đun, cho phép điều chỉnh/bổ sung chức năng để đáp ứng các yêu cầu mới trong tương lai, không cần thay toàn bộ hệ thống. Hệ thống sử dụng công nghệ phản ứng mẻ hoàn toàn sinh học, kích thích sự sinh trưởng của vi sinh vật phân hủy chất thải có sẵn, đưa dòng thải vào vòng tuần hoàn tự nhiên của vật chất (nước thải được xử lý theo chu trình sinh học tự nhiên, không bị thay đổi thành phần, tính chất), hiệu quả xử lý triệt để, hơn hẳn các phương pháp hóa lý, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại, không có phản ứng phụ với hệ thống và môi trường xung quanh. Ngoài ra, ông Hofmann còn trình bày chi tiết về phương thức vận hành của công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt bằng phản ứng mẻ hoàn toàn sinh học cùng các thiết bị của hệ thống.
Kết thúc hội thảo là phần tổng kết những lợi ích hệ thống đem lại, như: bảo vệ môi trường dự án xây dựng và đảm bảo cuộc sống an toàn, trong lành; tiết kiệm chi phí về lâu dài; bảo tồn/tăng giá trị của bất động sản; giữ gìn/củng cố hình ảnh đối với khách hàng, công chúng và các cấp chính quyền.
Thu Huyền