Hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi của Tổng Công ty Viglacera: Rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý

Thứ ba, 15/04/2014 08:11
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 12/4, vòng “Chung kết Hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi năm 2014” của Tổng Công ty Viglacera đã diễn ra trong sự chào đón và ủng hộ nhiệt thành của 16 đơn vị thành viên. Dù kéo dài từ sáng đến cuối giờ chiều của ngày nghỉ cuối tuần, nhưng không khí của Vòng chung kết luôn duy trì trong trạng thái “bùng nổ” bởi sự hấp dẫn và lôi cuốn của các màn so tài kiến thức, năng khiếu…

Đây là cuộc thi cấp Tổng Công ty nhằm hưởng ứng đợt phát động thi đua tuyên truyền An toàn vệ sịnh viên giỏi do Công đoàn Xây dựng Việt Nam phát động. Mục đích của cuộc thi là tạo một phong rào học tập thường xuyên và sâu rộng trong đội ngũ CNVCLĐ và đơn vị sử dụng lao động trong phạm vi toàn Ngành, từ đó xác lập kiến thức nền tảng cũng như các kỹ năng cơ bản nhất cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh viên để kịp thời ứng phó với các tình huống nguy cấp uy hiếp tính mạng người lao động cũng như tài sản của doanh nghiệp.

Mỗi đội thi sẽ đại diện cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh viên của doanh nghiệp của mình, tham gia 3 phần thi chính: Kiến thức chung (bao gồm tìm hiểu chính sách an toàn lao động, trắc nghiệm các tình huống về kỹ thuật an toàn lao động, bắt lỗi các tình huống mẫu về vi phạm an toàn lao động theo ảnh) – Phần thực hành băng bó sơ cứu tai nạn lao động – Phần thi năng khiếu.

Nhìn chung, các đội đều không gặp khó khăn để vượt qua các câu hỏi về kiến thức chung. Với bộ khung kiến thức đã được Ban An toàn lao động của Tổng Công ty biên tập ở mức tối giản, dễ hiểu, dễ nhớ, khiến những lý thuyết phức tạp trong một loạt văn bản chế độ chính sách được rút gọn thành cuốn Sổ tay kiến thức “gối đầu giường”. Việc ghi nhớ chúng không còn là vấn đề hóc búa.

Tuy nhiên, tâm lý vững vàng cũng như sự phản ứng nhanh nhạy của các thí sinh trước câu hỏi bốc thăm đó cho thấy họ không chỉ chuẩn bị tâm thế kỹ lưỡng để bước vào cuộc thi, mà phản ánh đúng thực chất sự trau dồi rèn luyện kiến thức trong hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp.

Sự khác biệt chỉ diễn ra ở phần ứng phó với các tình huống tai nạn lao động và thi năng khiếu. Một vài tình huống lúng túng, thao tác chưa thuần thục, sai sót diễn ra, ngay lập tức được bác sĩ Lê Thị Bích Đào, Phó trưởng Khoa Y học Lao động (Bệnh viện Xây dựng) đứng ngay kề bên họ trên sân khấu, đưa ra nhận xét cũng như hướng khắc phục một cách tỉ mỉ, sâu sắc, dễ hiểu, dễ nhớ…

Thế nhưng, có những phần thi mà nữ bác sĩ tận tình ấy chỉ có thể cười và gật đầu khen ngợi về màn thao tác sơ cứu băng bó cố định vết thương hết sức chuyên nghiệp của những cô “y sĩ – công nhân” giỏi giang như trường hợp Lê Thu Huyền (Công ty Viglacera Thanh Trì, Nguyễn Thu Trang – Công ty Viglacera Hạ Long)…

Sôi nổi và hào hứng nhất – đương nhiên vẫn là phần thi năng khiếu. Nếu như Công ty Viglacera Đông Triều làm vỡ òa cả khán phòng bằng một tiểu phẩm hài đến mức cho cả Ngọc Hoàng ngồi ngai bằng… xe lăn vì tai nạn, thì tiểu phẩm của các Công ty Viglacera Việt Trì, Viglacera Thanh Trì khiến cho mọi người tham dự đều cảm thấy chùng xuống suy ngẫm khi thấy sự an nguy của cả một dây chuyền sản xuất đầu tư rất tốn công sức tiền bạc có thể bị phá hủy trong phút chốc bởi những hành vi bất cẩn, coi nhẹ yếu tố an toàn trong lao động.

Khái niệm “An toàn để lao động – Lao động phải an toàn’’ không chỉ được nhắc đi nhắc lại trên sân khấu Vòng chung kết cuộc thi này ở Viglacera, cũng không chỉ dưới hình thức biểu ngữ hay khẩu hiệu, mà được gửi gắm một cách tinh tế dưới rất nhiều hình thức biểu đạt. Mục đích cuối cùng là mỗi người lao động tự trang bị, tự khắc sâu vào tâm khảm những kiến thức cần thiết và trên tất cả là một ý thức thường trực để “giữ mình” và bảo vệ an toàn tài sản thiết bị sản xuất, an toàn xây dựng…

Tiếc rằng, một cuộc thi được chuẩn bị kỹ càng với tâm thế hồ hởi và mục đích cao đẹp như vậy vẫn còn những vết gợn đáng tiếc. Nếu sự vắng mặt của những đơn vị ở quá xa là điều có thể lý giải thì sự thiếu vắng của một vài doanh nghiệp có thương hiệu khá mạnh trong Tổng Công ty cũng khơi lên một số vấn đề đáng suy nghĩ.

Đó không phải là vấn đề chỉ xảy ra riêng ở cuộc thi này hay riêng ở Viglacera. Đó cũng là một “khoảng trống” trong phong trào công nhân viên chức lao động ngành Xây dựng. Bởi xin nhấn mạnh, đây là cuộc thi hướng tới sự an nguy tới tính mệnh nguời lao động và tài sản cũng như sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Đó là gì, nếu không phải ở đâu đó vẫn còn tồn tại tư duy coi hoạt động phong trào chỉ dừng ở hình thức bề nổi, mà chưa thấy hết ý nghĩa nhân văn sâu xa trên con đường xây dựng nền tảng văn hóa phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Ông Trần Hồng Quang, Tổng giám đốc Công ty Viglacera Hạ Long phát biểu trên diễn đàn Vòng chung kết: “Chúng ta chỉ ra được những tình huống mất an toàn lao động, tổng kết và nhân rộng ra để phổ biến học tập, vậy mà không học tập, không hành động thì mọi cố gắng sẽ trở nên…vô nghĩa, vì hiệu quả đạt được lại thấp hơn điều chúng ta mong đợi”.

Lời nói thẳng, dễ mất lòng. Nhưng không, đồng chí Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Viglacera Nguyễn Quý Tuấn cũng cho rằng: Việc thường xuyên phải đối mặt và tìm cách vượt qua mọi rào cản tới phong trào chung chính là một trong những nhiệm vụ của các cán bộ Công đoàn.

Ông Tuấn cũng cho rằng, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra sau cuộc thi, đặc biệt là các biện pháp tổ chức hoạt động nhằm nhân rộng ảnh hưởng của một phong trào mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như thế này.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)