Hơn 200 người dân Khánh Sơn đã có mặt tại Nhà sinh hoạt cộng đồng Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Đa số người dân đều bức xúc về vấn đề đảm bảo chất lượng của dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn và yêu cầu chính quyền Thành phố phải di dời dự án.
Bà Nguyễn Thị Thành (ngụ tổ 62) cho biết người dân Khánh Sơn đã phải sống chung với rác hơn 30 năm nên không thể chịu cảnh khổ cực thêm được nữa.
“Nay thành phố có đã có chủ trương nâng cấp bãi rác, thì cũng nên di dời dự án ra khu vực khác bởi lẽ người dân Khánh Sơn đã chịu đựng hôi thối đủ rồi”, bà Thành bức xúc.
Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, từ năm 2015, mỗi ngày TP. Đà Nẵng thải ra hơn 1.000 tấn rác thải, tăng gấp đôi so với các năm trước. Đến thời điểm này, bãi rác Khánh Sơn đã nhận 3,2 triệu tấn rác và chỉ còn chứa được tối đa vài trăm ngày nữa. Khi đó, Đà Nẵng sẽ đối diện với khủng hoảng rác.
Nếu di dời bãi rác Khánh Sơn như chủ trương trước đây sẽ không giải quyết tổng thể vấn đề. Do đó, thành phố thống nhất chủ trương theo hướng "không di dời mà nâng cấp bãi rác hiện tại thành Khu liên hiệp xử lý rác của Đà Nẵng".
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng cam kết chỉ xây dựng nhà máy khi có sự đồng ý từ người dân.
- Ảnh: VGP
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thừa nhận tình trạng ô nhiễm đang diễn ra quanh khu vực bãi rác Khánh Sơn.
Trước đây bãi rác Khánh Sơn áp dụng công nghệ chôn lấp nên không tránh khỏi mùi hôi, ô nhiễm môi trường. Do vậy, đến lúc phải thay đổi công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên thành phố muốn xây dựng nhà máy xử lý rác thải hiện đại để xử lý các vấn đề này để đảm bảo giữ được tài nguyên đất đai, môi trường cũng như chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên dự án không thể khởi công nếu không có sự đồng tình của người dân. Chính quyền rất mong người dân mở lòng với thành phố để chọn giải pháp tối ưu nhất
“Điều quan trọng nhất là phải có bài toán tổng thể, căn cơ về kinh tế cũng như phát triển toàn diện các điều kiện sống, vệ sinh môi trường, giáo dục và y tế của người dân. Do đó, người dân phải đồng ý mới có thể đặt lò đốt rác. Khi dân chưa hiểu, Đảng cùng với chính quyền địa phường phải ra sức vận động. Phải đảm bảo chính dân mới là những người thụ hưởng lợi ích lớn nhất mà nhà máy đem lại”, ông Đặng Việt Dũng khẳng định.
Ông Đặng Việt Dũng cũng chia sẻ, với việc nâng cấp bãi rác Khánh Sơn, nơi đây sẽ trở thành khu vực có không gian, có cảnh quan, trở thành một trong những nơi có điều kiện sống ổn định của Thành phố.
Bãi rác Khánh Sơn cần phải được nâng cấp nhưng nhiều người dân địa phương chưa đồng tình. - Ảnh: VGP
Trước đó, ngày 28/5/2019, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Công văn số 3460/UBND-SKHĐT cho phép Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam liên doanh với Tập đoàn EverBright International (Hồng Kông), đổi mới công nghệ để xử lý rác sinh hoạt tại Đà Nẵng.
Theo đó, một nhà máy với công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến sẽ được xây dựng tại bãi rác Khánh Sơn với tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD, công suất xử lý rác 650 tấn/ngày, biến rác thải thành năng lượng, các thông số khí thải và khói thải đạt tiêu chuẩn khí thải châu Âu. Theo kế hoạch đã được UBND TP phê duyệt, nhà máy sẽ được khởi công vào cuối năm 2019, dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm 2021.
Ngày 27/6, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng phối hợp với UBND quận Liên Chiểu tổ chức chuyến tham quan thực tế tại Nhà máy đốt rác phát điện (điện rác) Cần Thơ cho đại diện người dân ở lân cận khu vực bãi rác Khánh Sơn và cán bộ phường Hòa Khánh Nam nhằm cung cấp thông tin về công nghệ điện rác và quy trình hoạt động khép kín của nhà máy này.
Theo Chinhphu.vn