Cụ thể, Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn so với cả nước, trung bình 7,5 m/s, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió.
Theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 2574/QĐ-BCT ngày 23/4/2013, theo đó Ninh Thuận có 05 khu vực được quy hoạch, với tổng công suất dự kiến 1.429 MW; đang lập quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận, trong đó có định hướng quy hoạch phát triển điện gió trên biển đến năm 2030 với tổng quy mô công suất từ 490-1.148MW và đến năm 2045 với tổng quy mô công suất từ 1.145-2.681MW.
Trên cơ sở tiềm năng về phát triển điện gió, theo thống kê từ Sở Công Thương Ninh Thuận, tính đến nay tỉnh đã kêu gọi và thu hút được 19 dự án đầu tư với quy mô công suất hơn 1.162 MW; trong đó đã cấp Quyết định đầu tư cho 14 dự án với tổng quy mô công suất 749,53 MW. Hiện có 05 dự án đã khởi công, trong đó có 03 dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất khoảng 117 MW.
Về tiềm năng phát triển điện mặt trời, Ninh Thuận có số giờ nắng trung bình cả năm từ 2.600h-2.800h, phân bố tương đối điều hòa quanh năm. Số ngày nắng trong năm khoảng 200 ngày; tổng lượng bức xạ đạt khoảng 238 Kcal/cm2. Vì vậy, Ninh Thuận được đánh giá là tỉnh có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn so với cả nước.
Theo quy hoạch điện mặt trời tỉnh đã lập và trình Bộ Công Thương, định hướng phát triển đến năm 2030 có thể phát triển với tổng quy mô công suất khoảng 8.442MW.
Ông Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận cho biết, đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương để các nhà đầu tư khảo sát, lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia/tỉnh gồm 54 dự án với tổng công suất khoảng 3.514 MW. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 31 dự án với tổng công suất 1.817MW, tổng vốn đăng ký hơn 50.000 tỷ đồng.
Trong số các dự án cấp quyết định đầu tư, đến nay đã tập trung triển khai rất tích cực. Thống kê đến cuối tháng 5/2019, có 10 dự án đã chính thức vận hành thương mại với tổng công suất 725MW (có 06 dự án mới cấp COD). Dự kiến trong thời gian tới sẽ có thêm 06 dự án tiếp tục hòa vào lưới điện quốc gia nâng tổng số dự án lên 16 dự án với công suất tăng thêm khoảng 1.103 MW; và các dự án còn lại dự kiến tiếp tục đi vào hoạt động trong năm 2020.
Theo ông Đạo Văn Rớt, trên cơ sở kết quả lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện đề án “Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo”; tỉnh sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn bám sát mục tiêu, định hướng Ninh Thuận sẽ là Trung tâm nghiên cứu và phát triển ngành năng lượng tái tạo của cả nước (R&D), trung tâm kiểm định, bảo hành, bảo dưỡng thiết bị năng lượng tái tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển ngành năng lượng tái tạo - một trong những ngành phát triển trong tương lai.
Theo Chinhphu.vn