Ngày 19-2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí Đặng Đình Sách cho biết: Thành phố dự kiến dành 25,868 tỷ đồng để hỗ trợ việc chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn. Trong đó, mức hỗ trợ chi phí tháo dỡ, khôi phục mặt bằng là 165.000 đồng/m3 thể tích lò; hỗ trợ dừng sản xuất để chuyển đổi nghề và hỗ trợ đối với người lao động sẽ áp dụng theo mức hỗ trợ bằng ba tháng lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định 141/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Hiện trạng một cơ sở sản xuất vôi thủ công.
Theo số liệu thống kê từ Phòng Quản lý đô thị thành phố Uông Bí, trên địa bàn thành phố có tổng số 51 cơ sở; 68 lò vôi, với 115 ống lò; thuộc địa bàn hai phường Phương Đông và Phương Nam, tập trung chủ yếu tại khu vực Vành Kiệu 1, khu Hồng Hà, phường Phương Nam; Trong đó có hai tổ chức là Trại giam Quảng Ninh và Xí nghiệp sản xuất đá Phương Đông, còn 49 cơ sở sản xuất vôi do các hộ gia đình cá thể tự đầu tư. Hầu hết số lò vôi này được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, thời hạn dừng các hoạt động của các lò sản xuất vôi thủ công là trước năm 2020. Tỉnh Quảng Ninh đưa ra lộ trình chấm dứt sớm hơn. Theo kế hoạch 1460/KH-UBND, đến hết ngày 31-1-2019, tỉnh Quảng Ninh chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công trên địa bàn, hoàn thành tháo dỡ, khôi phục mặt bằng trước ngày 31-3-2019. Tuy nhiên, khi chính quyền thành phố Uông Bí triển khai kế hoạch tháo dỡ các lò vôi thủ công đã nhận được nhiều kiến nghị từ chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vôi thủ công và người lao động trực tiếp tại các lò vôi thủ công.
Cụ thể, vào chiều 14-2, khi lực lượng chức năng của thành phố Uông Bí tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các lò sản xuất vôi thủ công chưa được tháo dỡ hoặc cố tình hoạt động trở lại ở phường Phương Nam đã gặp phải sự cản trở của một số chủ lò vôi. Thậm chí, một số người đã có hành vi dùng gạch đá ngăn chặn xe ô-tô của lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.
Được biết, những nội dung kiến nghị từ các chủ lò vôi chủ yếu liên quan đến các vấn đề như đề xuất tỉnh Quảng Ninh cho lùi thời hạn chấm dứt hoạt động; có cơ chế hỗ trợ tốt hơn cho các chủ cơ sở và người lao động vì nhiều chủ cơ sở đã phải cầm cố tài sản vay nợ ngân hàng, người lao động sẽ mất việc khi các lò sản xuất vôi dừng hoạt động...
Qua tiếp xúc đối thoại, tuyên truyền, đến nay đa số các chủ cơ sở sản xuất vôi thủ công đều đồng thuận với việc chấm dứt hoạt động lò vôi thủ công. Đối với một số cơ sở còn hoạt động, thành phố Uông Bí đang tiếp tục tuyên truyền vận động và thực hiện kiểm tra, lập biên bản yêu cầu chấm dứt hoạt động theo quy định.
Tính đến ngày 19-2, đã có 106 ống lò trên địa bàn thành phố Uông Bí dừng hoạt động.
Theo Nhân dân điện tử