Thời gian qua, công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn, tại các đô thị, trung tâm 17 huyện, thị xã, thành phố đều có công ty hoặc đội Công trình đô thị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển chất thải rắn phát sinh, tỷ lệ thu gom tại các đô thị đạt 93%. Còn tại khu vực nông thôn, hiện nay, đa số các xã ở xung quanh khu vực đô thị đã được công ty hoặc đội công trình đô thị thu gom, vận chuyển về bãi chôn lấp của huyện, thị xã, thành phố. Một số xã trung tâm, dịch vụ thu gom chưa tới được, các xã (57/184 xã) đã tự thành lập tổ, đội, hợp tác xã thu gom rác thải.
Ngoài ra, thời gian qua, trên địa bàn đã triển khai các dự án về đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt như dự án xây dựng hệ thống xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại thị xã An Khê, 1 lò đốt rác sử dụng khí tự nhiên với công suất thiết kế 480kg/giờ tại huyện Kbang, 1 lò đốt rác với công suất thiết kế từ 8 đến 12 tấn/ngày tại xã Al Bá (huyện Chư Sê), dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại bãi rác TP. Pleiku với dự toán đầu tư khoảng 73 tỷ đồng, dự án xây dựng khu xử lý rác sinh hoạt và sản xuất phân vi sinh từ rác, 1 bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại TP. Pleiku, 1 dự án chế biến phân compost từ rác thải sinh hoạt đang được triển khai...
Từ những việc trên, người dân đã có ý thức, trách nhiệm và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; từng bước giảm dần việc sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt; hình thành lối sống thân thiện với môi trường, hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững; góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cũng nêu ra những vướng mắc, khó khăn khi triển khai việc kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon như cơ chế, chính sách thuế và ưu đãi về vốn đối với hoạt động sản xuất các sản phẩm bao bì, túi xách thân thiện với môi trường; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm bao bì, túi xách thân thiện với môi trường; khuyến khích đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất bao bì, túi xách thân thiện với môi trường giá thành rẻ, chưa ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá bao bì, túi xách thân thiện với môi trường lưu thông trên thị trường; giá thành sản xuất bao bì, túi xách dễ phân hủy đắt hơn nhiều so với túi nilon khó phân hủy nên chưa khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng bao bì, túi xách dễ phân hủy; thị trường túi nilon dễ phân hủy trên địa bàn chưa được phân phối rộng rãi, người dân chưa được tiếp cận nhiều...
Do đó, mục tiêu năm 2018, UBND tỉnh Gia Lai sẽ hoàn thành chỉ tiêu nâng tỷ lệ thu gom rác thải đô thị đạt 93,5%; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn tỉnh sử dụng bao bì, túi nilon dễ phân hủy...
Theo báo Gia Lai