Hà Nội: Phát triển toàn diện sau hợp nhất địa giới hành chính Thủ đô

Thứ sáu, 04/05/2018 15:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Kết quả 10 năm sau thực hiện mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô được TP. Hà Nội đánh giá là có bước phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực, ngày càng khẳng định vị trí là đồng lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và đóng vai trò quan trọng với kinh tế cả nước.

Thu nhập nông dân tăng gần 3 lần

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thuận lợi của Hà Nội khi thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính là quy mô về diện tích tăng gấp 3,63 lần, dân số gấp 1,8 lần so với trước khi mở rộng. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên, người lao động Thủ đô có ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm, đồng thuận và thống nhất. Bên cạnh đó là thách thức đặt ra khi có sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng, miền; dân số nông thôn lớn; khó khăn trong sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, trụ sở làm việc phân tán…

Tuy nhiều khó khăn nhưng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, Hà Nội đã có những kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, xã hội; quản lý đô thị, môi trường đến công tác cải cách hành chính. Trong lĩnh vực kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 1,9 lần sau 10 năm (từ trên 273 nghìn tỷ đồng năm 2008 lên trên 519 nghìn tỷ đồng năm 2017); GRDP/người tăng gấp 2,3 lần (từ 1.697 USD lên 3.910). Thành phố có thêm 12 trung tâm thương mại lớn, 47 siêu thị; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6.904 lên 11.779 triệu USD (1,71 lần); khách du lịch quốc tế tăng 3,8 lần...

Đặc biệt, thu nhập của người nông dân đã tăng khoảng 2,92 lần, từ 13 triệu/đồng/người năm 2008 lên 38 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2017. Từ con số 0 trong xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay Hà Nội có 294 xã đạt chuẩn và 4 huyện nông thôn mới.

Công tác xây dựng và quản lý đô thị, vệ sinh môi trường được Hà Nội thực hiện với cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, như: Chương trình trồng 1 triệu cây xanh, cấp nước sạch nông thôn, chiếu sáng đô thị-nông thôn, cải tạo hồ nước...

Lĩnh vực văn hóa-xã hội được Hà Nội tập trung đầu tư trọng điểm, có hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao: Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 943 trường; số giường bệnh/vạn dân tăng 11,8 %; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,43% xuống còn 1,69% (giảm 6,74% theo chuẩn đa chiều).

Cải cách hành chính là một trong những lĩnh vực Hà Nội được đánh giá cao, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn là 97,33%; thời gian đăng ký kinh doanh giảm từ 5 ngày xuống còn 2 ngày; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế qua mạng là 95%; số dịch vụ công mức độ 3, 4 Thành phố đang thực hiện là 502 dịch vụ… Đặc biệt là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng 38 bậc sau 10 năm, đứng thứ 13/63 tỉnh thành; Hà Nội cũng đứng thứ 3 cả nước về chỉ số cải cách hành chính.

Phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt

Đánh giá về 10 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết về mở rộng địa giới hành chính, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng, Hà Nội đã làm một khối lượng công việc khổng lồ nhưng trôi chảy. Khối lượng công việc đã thực hiện thực sự thúc đẩy phát triển toàn diện các mặt của Thủ đô.

Ông Cao Đức Phát cho rằng, những thành tựu Hà Nội đạt được có nhiều nét nổi bật, từ cơ sở hạ tầng được điều chỉnh theo tầm nhìn mới làm cho diện mạo của Thủ đô thay đổi rất nhiều trong 10 năm qua. Diện mạo mới có thể nhìn thấy qua những cây cầu bắc qua sông Hồng, các đường vành đai và đô thị mới hiện đại... Trong 10 năm qua, Thủ đô đã thay đổi mạnh mẽ. Về kinh tế, Hà Nội đã phát triển ổn định và ở mức cao, Thành phố đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước.

Tuy nhiên, ông Cao Đức Phát cũng chỉ ra Hà Nội cần làm rõ nguyên nhân của những hạn chế dẫn đế phát triển kinh tế chưa tương xứng tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô; công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị chưa đáp ứng yêu cầu..., đặc biệt là những nguyên nhân liên quan đến cơ chế, chính sách, những nội dung còn cản trở việc thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

“Có nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách Hà Nội cần có trao đổi cụ thể để đề nghị Chính phủ điều chỉnh, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho Thủ đô tháo gỡ vướng mắc trong quá trình phát triển”, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nêu ý kiến.

Cũng nêu ý kiến đánh giá về quá trình 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn cho rằng, việc mở rộng địa giới hành chính tạo nhiều thuận lợi cho Thủ đô phát triển. Trong đó, thuận lợi căn bản là tạo cho Hà Nội một không gian đủ lớn để Thành phố phát triển mạnh mẽ và đầy đủ chức năng của Thủ đô lớn mạnh. Những thuận lợi mà Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội đem lại theo ông Tô Anh Tuấn là những thuận lợi căn bản, lâu dài cho Hà Nội, còn khó khăn hầu hết là chỉ là giai đoạn trước mắt và mang tính chất thời kỳ.

Góp ý về nhiệm vụ, giải pháp TP. Hà Nội cần làm rõ trong giai đoạn sắp tới, Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn cho rằng Hà Nội cần có giải pháp cụ thể cho 5 năm tới với những mục tiêu phát triển cụ thể. Trong đó cần bổ sung mục tiêu phát triển bền vững cần phải được xuyên suốt bởi mục tiêu phát triển bền vững về lâu dài là sự sống còn của Thủ đô và mục tiêu này cần thể hiện sâu sắc trong tất cả các nội dung phát triển.


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)