Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15 đô thị, trong đó Thành phố là đô thị loại III; 12 đô thị loại V và 2 đô thị loại V chuyên ngành cấp huyện, gồm thị trấn Tà Lùng (Phục Hòa) - đô thị cửa khẩu và thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình) - đô thị công nghiệp. Về di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, tỉnh có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng), Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình). Ngoài ra, tỉnh có các khu danh lam thắng cảnh, như: Thác Bản Giốc (Trùng Khánh), hồ Thang Hen (Trà Lĩnh), Khu du lịch Phja Oắc - Phja Đén (Nguyên Bình) và 7 cửa khẩu, 2 cụm công nghiệp: Chu Trinh, Đề Thám (Thành phố).
Trưởng Phòng Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng Dương Mạc Kiên cho biết: Giai đoạn 2011 - 2017, Phòng làm tốt công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh, gồm: Quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu chức năng đặc thù, thiết kế đô thị, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị. Đến nay, nhiều đồ án quy hoạch được lập và phê duyệt, như: Quy hoạch vùng của tỉnh; Quy hoạch vùng Phja Oắc - Phja Đén (Nguyên Bình) giai đoạn 2013 - 2030, tầm nhìn 2050, tỷ lệ 1/25.000; Quy hoạch chung và điều chỉnh quy hoạch chung của 15 đô thị, gồm đồ án quy hoạch chung Thành phố; quy hoạch chung và điều chỉnh quy hoạch chung 14 đô thị loại V của 12 huyện. Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết 1/500, gồm các đồ án quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 các phường thuộc Thành phố. Về quy hoạch khu chức năng đặc thù, tỉnh đã có quy hoạch chi tiết khu công nghiệp; quy hoạch chung đối với 7 cửa khẩu biên giới; lập đồ án quy hoạch các khu di tích lịch sử; quy hoạch chung các khu du lịch, danh lam thắng cảnh.
Nhìn chung công tác lập và quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch tăng, chất lượng quy hoạch từng bước được cải thiện. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đã bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ phát triển KT - XH và thu hút đầu tư của tỉnh, các địa phương, là cơ sở cho công tác quản lý quy hoạch, trật tự đô thị và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình kiến trúc đồng bộ, hiệu quả. Quy hoạch xây dựng đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thay đổi sự phân bố dân cư.
Hiện nay, do thiếu kinh phí cho công tác lập quy hoạch 13 đồ án quy hoạch vùng huyện và các đồ án quy hoạch chi tiết của các khu trung tâm đô thị huyện lỵ dẫn đến công tác quản lý trật tự đô thị, nhất là công tác cấp phép xây dựng theo quy định mới gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công tác lập và quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế, như: Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn thấp, đặc biệt là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý đô thị. Thời gian tổ chức lập, thẩm định các đồ án quy hoạch còn chậm, chưa tổ chức lập các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Chất lượng đồ án quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần, còn chồng lấn với các quy hoạch khác. Thiếu thiết kế đô thị và quy chế quản lý đô thị; chất lượng thẩm định đồ án quy hoạch chưa cao. Các chủ đầu tư chưa tổ chức cắm mốc giới cho toàn bộ các đồ án quy hoạch được phê duyệt. Việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến tình trạng thường xuyên phải điều chỉnh cục bộ đồ án. Việc quản lý trật tự xây dựng đô thị theo quy hoạch chưa được nghiêm túc…
Thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện lập Quy hoạch vùng tỉnh; điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố; điều chỉnh một số quy hoạch chung thị trấn của các huyện lỵ; lập quy hoạch thiết kế đô thị riêng cho một số tuyến đường chính trên địa bàn Thành phố; lập quy hoạch chung và chi tiết các khu đặc thù. Tổ chức rà soát lại một số quy hoạch để điều chỉnh phù hợp với định hướng phát triển của giai đoạn mới.
Theo báo Cao Bằng