Vĩnh Phúc: Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại

Thứ sáu, 30/03/2018 14:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đầu tư tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025, thành phố Vĩnh Yên tích cực triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn, nhằm từng bước xây dựng Vĩnh Yên trở thành đô thị hiện đại, có cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố Vĩnh Yên đang từng bước được hoàn thiện. Ảnh: Khánh Linh

Với vai trò là đô thị trung tâm, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của tỉnh, những năm qua, thành phố Vĩnh Yên đã chủ động huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố được đầu tư tương đối hoàn thiện, với các tuyến đường vành đai 1, vành đai 2, các tuyến đường hướng tâm và tuyến đường nội thị chính; hệ thống giao thông công cộng gồm 6 tuyến xe bus đang hoạt động với tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt khoảng 20%…

Hệ thống cấp nước cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, tỷ lệ người dân ở khu vực nội thành được cấp nước sạch đạt hơn 84%. Mạng lưới điện của thành phố đã được cải tạo, nâng cấp theo Dự án cải tạo hệ thống điện Vĩnh Yên và Phúc Yên bằng nguồn vốn JICA, thuộc dự án cải thiện môi trường đầu tư tỉnh. Hệ thống thông tin, bưu chính viễn thông của thành phố có bước phát triển mạnh, đạt 32,7 thuê bao internet/100 dân; tỷ lệ phủ sóng thông tin di động đạt 100% dân số.

Có thể khẳng định, cơ sở hạ tầng xã hội của thành phố Vĩnh Yên phát triển đồng bộ với sự xuất hiện những khu đô thị mới, khu dân cư có cơ sở hạ tầng hiện đại như: Khu đô thị Chùa Hà, Khu đô thị Nam Vĩnh Yên…

Bên cạnh đó là các khu nhà ở xã hội được doanh nghiệp đầu tư, đáp ứng nhu cầu của người lao động như: Khu nhà ở Vinaconex Xuân Mai, chung cư thu nhập thấp Bảo Quân…. Các công trình văn hóa – thể thao trên địa bàn được quan tâm đầu tư, hiện trên địa bàn thành phố có 11 công trình văn hóa cấp đô thị và 19 công trình thể dục, thể thao (đáp ứng yêu cầu của đô thị loại I) điển hình như công trình: Quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà hát…

Hệ thống nhà văn hóa, sân vận động tại các tổ dân phố, khu dân cư từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể dục – thể thao của nhân dân. Mạng lưới cơ sở y tế trên địa bàn phát triển mạnh với 138 cơ sở khám, chữa bệnh (trong đó, có 17 cơ sở y tế công lập), góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Các cơ sở giáo dục của thành phố được quan tâm đầu tư, nâng cấp theo quy hoạch các trường học từ bậc mầm non đến THCS.

Tuy nhiên, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên còn một số hạn chế như: Một số tuyến đường và vỉa hè đã xuống cấp; hệ thống đường điện, cáp viễn thông chưa được ngầm hóa; một số khu vực xa trung tâm vẫn chưa được đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt; thành phố chưa có nhà máy xử lý rác thải; một số trường học trên địa bàn quy mô còn nhỏ hẹp, khó có khả năng mở rộng diện tích; hệ thống công viên, vườn hoa, sân chơi đã được quan tâm đầu tư nhưng còn thiếu; thành phố chưa xây dựng được hệ thống nhà tang lễ…

Thời gian tới, thành phố Vĩnh Yên tiếp tục tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của trung ương, của tỉnh và vốn xã hội hóa, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, các công trình hạ tầng xã hội quan trọng gắn với việc nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2020, thành phố cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I; trở thành thành phố thông minh, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững vào năm 2025.

Để đạt được mục tiêu trên, thành phố Vĩnh Yên đang tập trung nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án giao thông trên địa bàn như: Đường Kim Ngọc kéo dài qua cầu Đầm Vạc đến đường QL2 tránh thành phố Vĩnh Yên; tuyến đường khu vực Mậu Lâm - Mậu Thông, phường Khai Quang; đường song song phía Nam đường sắt….

Đồng thời, triển khai thực hiện một số dự án cải tạo nâng cấp hè phố và các tuyến đường dân cư; hoàn thành xây dựng, nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng trên địa bàn; xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước; tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; tập trung nguồn lực xây dựng khu văn hóa thể thao thành phố, xây dựng các vườn hoa trong các khu dân cư; cải tạo, nâng cấp, xây mới các thiết chế văn hóa tại các khu dân cư; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các chợ…

Bên cạnh đó, thành phố sẽ đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy nhanh tiến độ một số dự án giao thông trên địa bàn thành phố; thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu đô thị đại học, sớm hoàn thành xây dựng Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc tại địa điểm mới; đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án xây dựng khu đô thị, khu nhà ở xã hội (khu nhà ở đô thị Đồi Hai Đai, khu nhà ở hỗn hợp và thu nhập thấp An Phú…) và một số công trình hạ tầng y tế trên địa bàn thành phố…

Đồng thời, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh đối với việc đầu tư nâng cấp hạ tầng điện, triển khai hạ ngầm lưới điện trung hạ áp tại một số tuyến phố chính nội thị của thành phố; cải tạo và xây dựng mới một số tuyến cống chống ngập úng cục bộ cấp 1, 2; khởi công xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý nước thải phía Tây thành phố; xây dựng trạm xử lý nước thải tại phường Hội Hợp; đầu tư xây dựng dự án đốt rác thải sinh hoạt tại KCN Khai Quang, xây dựng nhà tang lễ…

Thành phố Vĩnh Yên xác định việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị theo Nghị quyết 04 là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và không tách rời với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với mục tiêu, giải pháp cụ thể cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tin rằng, một đô thị Vĩnh Yên với kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ là tương lai không xa.


Theo báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)