Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện xử lý các bãi rác chôn lấp lâu năm bằng giải pháp đốt phát điện đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, quyền lợi nhà đầu tư với ngân sách phù hợp.
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tại buổi tiếp xúc doanh nghiệp để nghe đề xuất giải pháp xử lý các bãi chôn rác lâu năm, xử lý ô nhiễm môi trường và tạo quỹ đất phát triển đô thị, ngày 10/8.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, thành phố phải thực hiện quy hoạch lại khu xử các bãi rác chôn lấp lâu năm thành một khu đô thị, đảm bảo yêu cầu chung, đồng thời có tính khả thi để kêu gọi nhà đầu tư, các doanh nghiệp khác cùng tham gia đề xuất sáng kiến, phương án quy hoạch.
Sau khi quy hoạch được phê duyệt và công bố công khai, thành phố tiến hành các bước triển khai quy hoạch và các doanh nghiệp được quyền tham gia đấu thầu thực hiện các dự án thành phần trong khu vực quy hoạch.
Bên cạnh đó, để tham gia thực hiện xử lý các bãi rác chôn lấp, các doanh nghiệp phải chứng minh được công nghệ xử lý, tiêu chuẩn môi trường và đề xuất mức giá Nhà nước phải chi trả.
Một trong những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm xử lý các bãi rác chôn lấp lâu năm và mong muốn thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland, cụ thể là được tham gia khảo sát, lập phương án, giải pháp công nghệ để xử lý vấn đề ô nhiễm tại bãi chôn lấp Gò Cát.
Ông Nguyễn Công Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland cho biết giải pháp của công ty là xử lý tại chỗ điểm phát sinh gây ô nhiễm ở bãi rác chôn lấp một cách triệt để, loại bỏ rác khỏi mặt bằng đã chôn lấp lâu năm, tái sử dụng quỹ đất để xây dựng phát triển khu đô thị xanh, đặc biệt coi rác là tài nguyên để tận thu tối đa các phụ phẩm từ rác.
Cụ thể, sau khi mở bãi rác, phun vi sinh, khử mùi, diệt vi khuẩn, phân loại mùn và các bước cơ bản phân loại khác, sẽ tái chế nhựa, xử lý nước rỉ rác phù hợp với tiêu chuẩn; có thể đốt rác ở nhiệt độ trên 1000 độ C bằng công nghệ lò của Nhật Bản có cải tiến phù hợp với rác Việt Nam, phần tro xỉ sau đốt sẽ tận thu đưa vào sản xuất gạch xây dựng hoặc sản xuất phân vi sinh.
Đây chính là một trong những giải pháp mà công ty đã thực hiện thành công với dự án xử lý bãi rác chôn lấp lâu năm tại thành phố Hải Dương.
Các doanh nghiệp cũng trình bày về giải pháp xử lý đốt phát điện bằng những công nghệ khép kín không sinh ra khí, mùi gây ô nhiễm môi trường, tận thu được nhiều sản phẩm như kim loại, nhựa tái chế, phân vi sinh, gạch và thu điện năng.
Chia sẻ về thực trạng các bãi rác chôn lấp, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện trên địa bàn thành phố có 2 bãi rác chôn lấp đã đóng cửa trên 10 năm là bãi rác Gò Cát rộng 25ha, quận Bình Tân và bãi rác Đông Thạnh rộng 40ha, huyện Hóc Môn, đủ điều kiện xử lý rác chôn lấp và cải tạo bãi rác để sử dụng quỹ đất đó phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Sở đã làm việc với 1 nhà đầu tư tham gia cải tạo bãi rác Gò Cát và 8 nhà đầu tư tham gia cải tạo bãi rác Đông Thạnh.
Việc lựa chọn các nhà đầu tư được thực hiện một cách cẩn trọng, dựa trên năng lực thực tế của nhà đầu tư cũng như theo quy định hiện hành.
Mỗi ngày Thành phố Hồ Chí Minh thải ra khoảng 9.000 tấn rác, thành phố nỗ lực đến tháng 9, 10 sẽ khởi công hai nhà máy xử lý rác công nghệ đốt phát điện với công suất của mỗi bãi rác là 1.000 tấn.
Khi hai nhà máy này hoàn thành đi vào sử dụng, đến năm 2025, khoảng 70-80% rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện./.
Theo TTXVN