Khốn khổ vì... quy hoạch
Hàng chục năm nay, hàng trăm hộ dân tại tổ dân phố 1, phường 3, quận 11 phải sống trong cảnh khốn đốn vì nhà cửa, đất đai của họ nằm trong quy hoạch mở rộng công viên nước Ðầm Sen. Do vướng quy hoạch này cho nên việc sửa chữa nhà của người dân chỉ làm theo hiện trạng, không được xây mới; bán nhà cũng không ai mua, muốn vay vốn làm ăn thì không thể thế chấp ngân hàng.
Tương tự, hàng trăm hộ dân thuộc khu phố 3, phường 5, quận 8; ở đường Lâm Hoành, phường An Lạc, quận Bình Tân, cũng chịu cuộc sống khốn khổ vì nhà, đất của mình nằm trong quy hoạch công viên cây xanh được phê duyệt cách đây hàng chục năm. Người dân chấp thuận chủ trương của Nhà nước, chờ ngày được đền bù giải tỏa để đi nơi khác, nhưng chờ mãi mà chẳng thấy đả động gì.
Không chỉ có đất quy hoạch làm công viên cây xanh, nhiều người dân còn phải chịu nhiều thiệt thòi do quy hoạch làm trường học, khu dân cư mới. Ðó là tình cảnh của khoảng 1.000 hộ dân xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh khi bị vướng quy hoạch “treo” bởi dự án khu đô thị Phú Mỹ Hưng từ năm 1994. Hay hơn 3.000 hộ dân tại phường 28, quận Bình Thạnh bị quy hoạch bởi dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Ða hơn 30 năm nay dù dự án đã nhiều lần đổi chủ đầu tư. Người dân không được xây dựng, không được chuyển mục đích sử dụng đất và không được tách thửa. Hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội không được đầu tư cho nên sau nhiều năm, đây vẫn là một làng quê dù sát bên là các khu đô thị hiện đại.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết, diện tích đất quy hoạch cho giáo dục, công viên cây xanh ở ngoại thành rất lớn, nhưng tỷ lệ thực hiện đạt rất thấp. Cụ thể, đất quy hoạch cho giáo dục, công viên cây xanh ở năm huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) lần lượt là hơn 1.674 ha (gần 51% đất quy hoạch giáo dục của thành phố) và gần 6.760 ha (gần 60% tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh). Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện quy hoạch giáo dục, công viên cây xanh ở ngoại thành thời gian qua đạt kết quả lần lượt là 18% và 0,68%. Trên toàn thành phố, tỷ lệ thực hiện quy hoạch giáo dục đạt khoảng 30% (gần 992 ha, trong tổng số 3.303 ha); quy hoạch công viên cây xanh chỉ đạt 4,3% (hơn 491 ha, trong tổng số gần 11.420 ha).
Người đứng đầu ngành quy hoạch kiến trúc thành phố nhìn nhận, tính khả thi của một số quy hoạch các khu chức năng giáo dục và công viên cây xanh còn hạn chế. Nguyên nhân chính là do quy hoạch trên đất của gia đình, cá nhân có chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cao, làm ảnh hưởng đến tính khả thi của quy hoạch…
Phải bảo đảm quyền lợi cho người dân
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) thành phố Lê Hoài Nam cho biết, sở dĩ tỷ lệ thực hiện quy hoạch đất dành cho giáo dục thấp là do vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sở GD-ÐT thành phố kiến nghị nâng tầng các trường học ở khu vực nội thành và kêu gọi xã hội hóa thực hiện các đề án quy hoạch giáo dục. Cùng đó, đề nghị cho phép được đầu tư xây dựng trường mầm non ở nơi không phải là đất giáo dục để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trong một cuộc họp giải trình về “nội dung quy hoạch và thực hiện quy hoạch các khu vực có chức năng giáo dục, công viên cây xanh” do Thường trực HÐND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, người đứng đầu HÐND thành phố đã phải thốt lên: Ai phải chịu trách nhiệm trước tình trạng quy hoạch không khả thi, không hợp lý như quy hoạch công viên cây xanh giữa khu dân cư; khi thực hiện quy hoạch thì gia đình chỉ có hai vợ chồng, nhưng đến nay, con họ đã lớn mà quy hoạch nơi đó vẫn chưa thực hiện?
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận, công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, như quy hoạch chậm triển khai, không khả thi… đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Ngành quy hoạch nếu chỉ ngồi ở bàn giấy và duyệt thì quy hoạch sẽ khó khả thi. Ðể giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại về quyền lợi chính đáng của người dân, thành phố sẽ xem xét các chính sách đối với người dân trong vùng quy hoạch theo hướng cho phép người dân được chuyển đổi mục đích và khi thu hồi đất, người dân sẽ được bồi thường với giá cao hơn.
Ðồng chí Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết, thời gian tới, các đơn vị liên quan cần đổi mới tư duy trong quy hoạch, quản lý quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch. Khi xây dựng quy hoạch cũng phải tính đến lộ trình, nguồn lực thực hiện nhằm bảo đảm công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân…
Theo Nhân dân điện tử