Hà Nội xây dựng thành phố thông minh: Bắt đầu bằng giao thông thông minh

Thứ tư, 24/05/2017 14:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hà Nội đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh để giải quyết các vấn đề cấp bách về giao thông, môi trường, y tế... nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong bối cảnh đó, giao thông thông minh được lựa chọn là giải pháp quan trọng triển khai đầu tiên để hướng tới mục tiêu này.

Ứng dụng tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe tự động (iParking) góp phần xây dựng giao thông thông minh tại Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn

Đề xuất 4 hạng mục triển khai năm 2017

Ngày 1-5 vừa qua, 17 điểm đỗ xe thông minh trên 2 tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) thuộc Dự án thí điểm triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe tự động qua điện thoại di động (iParking) đã được Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội và Công ty cổ phần Đầu tư CIS chính thức khai trương. Giải pháp này giúp công khai, minh bạch các vị trí dừng đỗ, mức thu phí và giá dịch vụ trông giữ phương tiện; đồng thời, mang đến sự văn minh cho thành phố và cộng đồng.

Một điểm đáng chú ý là vừa qua, Công ty Hệ thống thông tin FPT (Tập đoàn FPT), đã đề xuất xây dựng hệ thống giao thông thông minh dựa trên nền tảng cốt lõi là hệ thống Trung tâm Chỉ huy điều hành giao thông thông minh (một trong những hợp phần của hệ thống Trung tâm Giám sát điều hành tập trung của Hà Nội) và 9 thành phần (10 hạng mục) như: Trung tâm chỉ huy điều hành; hệ thống giám sát và thu thập thông tin giao thông; hệ thống thông tin giao thông; hệ thống điều khiển giao thông; hệ thống bảo đảm an ninh, an toàn; hệ thống quản lý tình huống khẩn cấp; hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống quản lý vận tải; hệ thống quản lý phương tiện cá nhân.

Theo ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT, trong số 9 thành phần, FPT đề xuất trong năm 2017 triển khai 4 hợp phần, gồm: Hệ thống giám sát và thu thập thông tin giao thông; hệ thống thông tin giao thông; hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Cụ thể, từ tháng 6 đến tháng 11-2017, xây dựng hệ thống giám sát và thu thập thông tin giao thông (từ hệ thống camera giám sát và thiết bị GPS...). Hệ thống thông tin giao thông, với bản đồ giao thông và tích hợp dữ liệu, ứng dụng di động, cổng thông tin giao thông tập trung và hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông dự kiến có thể phục vụ người dân vào dịp 2-9-2017. Hệ thống quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt dự kiến xong trong tháng 10-2017.

Theo kế hoạch, tháng 12-2017 sẽ nghiệm thu và vận hành chính thức giai đoạn 1 của đề án. Về phương án tài chính, FPT đề xuất, trong giai đoạn 1 (năm 2017), Hà Nội đầu tư theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin để có thể nhanh chóng hình thành nền tảng cơ bản của hệ thống giao thông thông minh. FPT chịu trách nhiệm từ đầu tư hệ thống, bảo đảm vận hành đến bảo trì, bảo dưỡng. Giai đoạn 2 từ năm 2018 đến 2020, thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Ưu tiên cung cấp dịch vụ thiết yếu cho người dân

Hoạt động giám sát tình hình giao thông tại Trung tâm Điều khiển giao thông Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Theo các chuyên gia giao thông, hệ thống giao thông thông minh giúp cung cấp nhiều giải pháp khác nhau nhằm nâng cao chất lượng đi lại trên các loại hình giao thông; cung cấp các giải pháp giảm ùn tắc giao thông thông qua các kế hoạch di chuyển tốt hơn, cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cho người tham gia giao thông, giải quyết các vấn đề xảy ra trên thực tế nhanh hơn. Ngoài ra, ứng dụng giao thông thông minh sẽ giảm thiểu các tác động xấu của giao thông đến môi trường thông qua tối ưu hóa di chuyển, giảm ùn tắc và tai nạn, nâng cao chất lượng phương tiện cũng như hệ thống quản lý...

Quan điểm chung của thành phố trong ứng dụng công nghệ thông tin tổng thể là ưu tiên cung cấp các dịch vụ có liên quan mật thiết với người dân để tăng tính hiệu quả, tạo sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nhằm cụ thể hóa quan điểm này, tiện ích bản đồ giao thông và tích hợp dữ liệu, ứng dụng di động, cổng thông tin giao thông tập trung được FPT tích hợp trong hệ thống thông tin giao thông và hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, dự kiến cung cấp vào dịp 2-9-2017.

Việc cung cấp thông tin giao thông qua ứng dụng di động cho người dân có 3 nội dung: Trước, trong quá trình tham gia giao thông và dịch vụ dẫn đường. Trước khi tham gia giao thông, người dân sẽ được thông tin đến thiết bị di động về phương thức vận tải, các tuyến xe khách, thời gian di chuyển, lộ trình, giá vé, nơi đỗ xe, thông tin trạm thu phí. Trong quá trình tham gia giao thông sẽ được cung cấp về tình trạng giao thông, sự cố, ùn tắc, các tuyến đường tránh, các cảnh báo... Còn ứng dụng cổng thông tin tập trung sẽ cung cấp về tuyến xe buýt, giờ xe buýt. Đáng chú ý, hệ thống này cho phép người dùng thiết lập cảnh báo khi xe buýt sắp đến (với những người đang đợi tại trạm xe), cảnh báo trạm sắp xuống (với những người đang đi xe)...

Một thành phần quan trọng của giao thông thông minh cũng được người dân hết sức quan tâm đó là việc xây dựng hệ thống bảo đảm an ninh, an toàn. Cụ thể, dựa trên hệ thống camera kết nối với trung tâm điều hành giao thông thông minh và cơ quan cảnh sát giao thông, có thể giám sát nạn trộm cắp, cướp giật, tệ nạn xảy ra trên đường, từ đó gửi, lưu trữ hình ảnh cho cơ quan công an để xử lý tình huống. Mặt khác, qua hệ thống camera, các cơ quan liên quan cũng có thể thực hiện cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra các tình huống tai nạn; thực hiện phân luồng khi ùn tắc...

Theo ông Phạm Minh Tuấn, ngày 22-5, FPT đã báo cáo lãnh đạo TP Hà Nội về dự án giao thông thông minh cho Thủ đô. Tại cuộc làm việc, lãnh đạo thành phố đã thống nhất với đơn vị cung cấp giải pháp giao thông thông minh với 9 thành phần, gồm 10 hạng mục. Trong đó, lãnh đạo thành phố cũng trực tiếp ra “đầu bài” cụ thể cho 10 hạng mục và yêu cầu FPT hoàn thiện để báo cáo tập thể lãnh đạo UBND thành phố trước ngày 15-6-2017.


Theo Hà Nội mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)