Sử dụng đất hợp lý, hiệu quả
Khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra tại hội nghị về công tác lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm TPHCM do Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) tổ chức ngày 12/5 vừa qua, cũng phù hợp với đề xuất của Sở QH-KT (đơn vị được UBND TP giao nhiệm vụ làm đầu mối thực hiện đề cương “Quy hoạch không gian xây dựng ngầm TPHCM”). Ông Hoàng Tùng, Phó giám đốc Sở QH-KT, cho rằng, cần phải xác định rõ mục tiêu và phạm vi nghiên cứu quy hoạch cụ thể và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thành phố, đồng thời cũng phải xây dựng các quy định quản lý chung đối với việc đầu tư xây dựng không gian ngầm.
Sở QH-KT khẳng định, nhu cầu khai thác không gian ngầm vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội của thành phố là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng công trình ngầm đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và có ảnh hưởng nhất định đến địa chất, môi trường, nguồn nước… Do đó, cần nghiên cứu thật kỹ nội dung quy hoạch để có những dự báo và định hướng phát triển tốt. Vấn đề quy hoạch và sử dụng không gian xây dựng ngầm ở thành phố phải đảm bảo sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, đảm bảo kết nối tương thích và đồng bộ giữa không gian ngầm với công trình hiện hữu trên mặt đất, đảm bảo yêu cầu về môi trường, nguồn nước ngầm và an ninh, quốc phòng. Đại diện đến từ Trường Đại học Kiến trúc TPHCM lưu ý, việc xây dựng ngầm là cực kỳ phức tạp, khó khăn hơn rất nhiều lần so với xây dựng trên mặt đất, nếu sai khó có cơ hội sửa chữa. Vì thế, cần quan niệm quy hoạch không gian xây dựng ngầm có tính vĩnh cửu.
Sở QH-KT đề xuất khu vực tiến hành khảo sát hiện trạng không gian ngầm và nghiên cứu lập quy hoạch giai đoạn đầu đối với khu trung tâm hiện hữu (khu 930ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự kiến thực hiện từ năm 2017-2018. Để đảm bảo chất lượng tốt nhất của đồ án quy hoạch, Sở QH-KT đề xuất tổ chức đấu thầu tuyển chọn tư vấn quốc tế thực hiện. Sản phẩm dự kiến không chỉ là các hồ sơ quy hoạch (bản đồ hiện trạng, bản đồ quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm…), mà còn có quy định quản lý về xây dựng không gian ngầm để làm cơ sở pháp lý cho việc kêu gọi và quản lý đầu tư.
Các chuyên gia đều thống nhất việc sử dụng đơn vị tư vấn thiết kế giỏi từ nước ngoài là cần thiết. Tư vấn nước ngoài có thể thực hiện ý tưởng quy hoạch, thiết kế không gian, lập quy định quản lý…, nhưng việc khảo sát hiện trạng, thu thập dữ liệu ban đầu nên do tư vấn trong nước thực hiện vì sẽ am hiểu về tình hình thực tế cũng như bước đầu đã thu thập được một số thông tin, dữ liệu về địa chất, công trình ngầm… tại TPHCM.
Lấy metro làm “tâm”
Theo TS Võ Kim Cương, vấn đề cốt lõi của việc xây dựng không gian ngầm không phải là xây cái gì mà là chỗ nào được xây, nơi nào không được xây. Do đó, khâu khảo sát, đánh giá về địa chất, thủy văn phải được thực hiện đầu tiên trong công tác lập quy hoạch. Bên cạnh đó, yếu tố khống chế không gian ngầm chính là các quy hoạch tuyến, cụ thể đối với thành phố là các tuyến metro. Vì thế, việc lập quy hoạch nên bám theo các tuyến metro, sau đó mới chia lớp không gian để quản lý (chẳng hạn từ mặt đất xuống bao nhiêu mét thì được xây dựng và xây dựng những công trình nào…).
Đồng tình với TS Võ Kim Cương, ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội cầu đường cảng TPHCM, cho biết đang tham gia tư vấn 2 tuyến metro và theo ông Trường, tuyến metro số 2 kéo đến gần sân bay Tân Sơn Nhất và hầu hết các nhà ga đều đi ngầm. Do đó, nếu chỉ khoanh vùng nghiên cứu khu vực 930ha là không đủ mà nên mở rộng phạm vi nghiên cứu theo các tuyến metro. Cũng theo ông Trường, vấn đề phát triển không gian ngầm đô thị không chỉ liên quan đến lĩnh vực xây dựng mà còn rất nhiều lĩnh vực khác như môi trường, chống ngập, cháy nổ…, vì thế nên xem xét ở góc độ quy hoạch không gian ngầm nói chung chứ không chỉ gói gọn mỗi không gian xây dựng.
Còn KTS Khương Văn Mười dự báo, khi hình thành các tuyến metro thì cấu trúc đô thị cũng sẽ thay đổi rất nhiều, do vậy cần nghiên cứu, đánh giá phân bổ lại cấu trúc giao thông. Cụ thể hơn, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TPHCM, đề xuất ranh quy hoạch nên dọc các tuyến metro đã được xác định theo quyết định quy hoạch giao thông thành phố với phạm vi 200m tính từ tim tuyến về 2 phía và khu vực các nhà ga metro, phạm vi nghiên cứu từ 5 - 20ha (trước mắt ưu tiên tuyến metro số 1 và 2).
Trong khi đó, Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết đã xác định vị trí nhà ga của các tuyến metro nên Sở QH-KT có thể bám vào đó để lập quy hoạch không gian ngầm. Đơn vị này lưu ý, Thông tư 37/2014 của Bộ Giao thông Vận tải (quy định về phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị) đã quy định rất rõ phạm vi không được xây dựng công trình và phạm vi kiểm soát xây dựng công trình. Vì thế, đơn vị lập quy hoạch nên bám theo quy định này để tránh xây dựng trong vùng cấm.
Tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia tại hội nghị, Sở QH-KT sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề cương quy hoạch không gian xây dựng ngầm và tham mưu trình UBND TPHCM. Quý độc giả và các chuyên gia có thể chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng cho việc quy hoạch không gian xây dựng ngầm thành phố đến Sở QH-KT tại địa chỉ email: sqhkt@tphcm.gov.vn.
Ông Takahashi, đại diện vùng Đông Nam Á của Tập đoàn Nikken Sekkei Civil (đang thực hiện tư vấn gói thầu 1A, 1B của tuyến metro số 1), khuyến nghị trong khi chờ đợi một quy hoạch không gian ngầm hoàn chỉnh thì điều thành phố có thể và cần làm lúc này là thu thập thông tin về các công trình ngầm hiện hữu như bãi đậu xe, trung tâm thương mại… để đưa ra quy chế quản lý chung ban đầu.
Bên cạnh đó, khu vực giao nhau giữa các tuyến metro (theo xác định của Sở QH-KT nút giao lớn nhất là nhà ga Bến Thành - nhà ga chung của 4/8 tuyến metro) chắc chắn luôn là khu vực phát triển và xây dựng cực kỳ nhanh chóng, do đó cũng cần có quy định quản lý trước ở khu vực này.
Theo Sài Gòn giải phóng