Cao Bằng: Góp phần đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Thứ ba, 05/06/2018 14:45
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm qua, tỉnh đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) trên địa bàn nông thôn, góp phần nâng cao sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nông thôn phát triển.

Trên 85% số dân nông thôn đã được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.

Với mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh (HVS) đạt 85%, tiêu chuẩn 60 lít/người/ngày đêm; 65% hộ nông thôn có nhà tiêu HVS; 30% số hộ nông thôn có chuồng trại chăn nuôi HVS; hầu hết các trường học, cơ sở y tế và nơi công cộng tại vùng nông thôn có đủ nước sinh hoạt và công trình HVS, tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư mở rộng các công trình nước sạch gắn với nâng cao chất lượng nước, khai thác có hiệu quả công suất hoạt động hệ thống nước sạch nông thôn.

Với các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn cam kết của địa phương thực hiện chương trình, vốn huy động từ các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm; vốn dân đóng góp, khuyến khích các hộ dân nông thôn chăn nuôi lớn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội đề đầu tư các công trình phụ trợ cho chăn nuôi HVS..., tỉnh đã huy động được trên 180 tỷ đồng đầu tư hàng trăm công trình nước sạch và nhiều công trình vệ sinh môi trường, có 442.944/521.111 hộ dân nông thôn được cấp nước HVS, 48.483 hộ có nhà tiêu HVS, 35.260 hộ dân có chuồng trại chăn nuôi HVS, 199/199 trạm y tế xã và 460 trường học có công trình nước sạch.

Cùng với đầu tư các công trình NS&VSMTNT, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh hằng năm còn tổ chức Tuần lễ Quốc gia NS&VSMTNT; tuyên truyền, vận động người dân nông thôn tăng cường sử dụng nước sạch, nước HVS để phòng, chống dịch bệnh. Tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý, vận hành và bảo vệ công trình cấp nước tập trung… Qua đó, từng nước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe của người dân.

Đồng chí Lưu Văn Bách, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa An cho biết: Trong những năm qua, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư cho các công trình NS&VSMTNT theo mục tiêu của tỉnh. Đến nay, huyện có trên 6.300 công trình nước sạch, trên 47.000/55.525 người dân được sử dụng nước HVS, trên 10.000/13.615 hộ có nhà tiêu, gần 6.000 hộ/9.859 hộ chăn nuôi HVS.

Để các công trình nước sạch đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh giao trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành, đảm bảo chất lượng nguồn nước đến khu dân cư sử dụng để nâng cao trách nhiệm quản lý của người dân. Huy động thêm nguồn vốn đóng góp trong dân để tiếp tục xây dựng, bảo dưỡng các trạm cấp nước theo nhu cầu sử dụng khu dân cư, làm tăng thêm vai trò, trách nhiệm cộng đồng dân cư hưởng thụ và bảo vệ công trình nước sạch. Bên cạnh đó, huy động người dân nạo vét hệ thống mương, cống tiêu thoát nước thải bản, làng; xây dựng, cải tạo các hồ, đập chứa nước; vận động hộ chăn nuôi lớn đầu tư xây bể Biogas xử lý chất thải chăn nuôi; trồng cây xanh nơi công cộng… để xây dựng môi trường vệ sinh nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong đầu tư xây dựng NS&VSMTNT trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn về nguồn vốn để tiếp tục đầu tư mở rộng. Người dân vẫn còn thói quen và tập quán sử dụng nước, vệ sinh cá nhân, chăn thả gia súc tự do. Công trình nước sạch nông thôn miền núi nhỏ lẻ, phân tán, trình độ dân trí, nhận thức người dân một số nơi vẫn còn hạn chế nên việc vận hành, duy tu, bảo dưỡng còn nhiều khó khăn. Các công trình trường học, trạm y tế, khu công cộng khi xây dựng chưa được quan tâm đúng mức...

Trong những năm tới, các cấp, ngành tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư các công trình NS&VSMTNT. Rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp NS&VSMTNT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 để đảm bảo thực hiện mục tiêu sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình hiện có với chất lượng nước tốt hơn, quản lý, khai thác bền vững các công trình nước sạch. Phấn đấu nâng cao tỷ lệ người dân được tiếp cận nước sạch, xây dựng môi trường nông thôn vệ sinh, tiến bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.


Theo báo Cao Bằng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)