Phát triển đô thị vệ tinh: Bước đi tất yếu cho sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô

Thứ sáu, 13/01/2017 14:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thủ đô Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và đô thị với tốc độ khá nhanh. Hiện nay, khu vực nội đô tập trung quá đông dân cư cùng với số lượng lớn các trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp… đã dẫn đến quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ô nhiễm môi trường. Để đạt được các yêu cầu phát triển hài hòa, giảm sức ép cho đô thị trung tâm, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, việc phát triển các đô thị vệ tinh được xem là bước đi tất yếu.

Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định nhiệm vụ quan trọng trong phát triển không gian Thủ đô là “Thiết lập lại cấu trúc đô thị”. Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái được liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, liên kết với mạng lưới giao thông Hà Nội và quốc gia.

Năm đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn với các chức năng riêng biệt sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm áp lực về dân cư, giảm sức ép cho khu vực nội đô, tạo động lực phát triển kinh tế trong vùng và khu vực lân cận, kiến tạo không gian kiến trúc cảnh quan hiện đại tại các cửa ngõ Thủ đô.

Nhận định Thủ đô hiện có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển đô thị vệ tinh, TS.Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội khẳng định, chủ trương hạn chế phát triển trong khu vực nội đô bằng nhiều giải pháp đồng bộ sẽ tạo ra lực đẩy, thu hút dân cư và các cơ sở công nghiệp, dịch vụ ra ngoại ô, vào các đô thị vệ tinh. Theo quy hoạch chung, đến năm 2030, khu vực nội đô khống chế tối đa dân số vào khoảng 950.000 - 1 triệu người và tập trung phát triển theo hướng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đồng thời ưu tiên tập trung phát triển mạnh các đô thị vệ tinh.

Trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai tích cực quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các đô thị vệ tinh, bước đầu đạt một số thành quả đáng kể. Cùng với đó, công cuộc xây dựng nông thôn mới diễn ra hiệu quả đã hạn chế được một phần luồng di dân và di chuyển lao động từ ngoại ô vào nội đô.

Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị vệ tinh đặt ra những thách thức không nhỏ như khả năng huy động vốn đầu tư trong và ngoài nước còn hạn chế; rào cản từ vấn đề phân bố dân cư, hợp lý hóa chỗ ở cho người lao động;... Do đó, việc triển khai sớm và hiệu quả phát triển các đô thị vệ tinh đang là vấn đề cấp bách và có ý nghĩa nhiều mặt đối với Thủ đô.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng, đầu tiên cần thống nhất nhận thức về vai trò của đô thị vệ tinh trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, từ đó, đổi mới điều chỉnh cơ cấu đầu tư, ưu tiên các nguồn lực cho phát triển đô thị vệ tinh. Trong đó, đẩy mạnh phát triển cơ cấu hạ tầng giao thông, kết nối khu vực đô thị trung tâm đến các đô thị vệ tinh, kết nối liên vùng và với các tỉnh khác. Thành phố cần tiếp tục xây dựng hoàn thiện các mô hình quản lý đô thị vệ tinh, triển khai quyết liệt các cơ chế chính sách đặc thù để phát triển.

TS.Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị lưu ý, để có chất lượng sống tốt thì đô thị vệ tinh phải là đô thị hoàn chỉnh với đầy đủ chức năng, còn để phồn vinh thì phải có động lực phát triển thúc đẩy sự tăng trưởng của hệ thống thị trường.

Vì vậy, thực hiện ý tưởng về việc phát triển không gian đô thị Hà Nội theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, một số tuyến giao thông quan trọng kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh đã được đầu tư hoặc nâng cấp, một số dự án lớn, trọng điểm được khởi động.

Nhưng nhìn chung tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm và việc hình thành, phát huy vai trò của các đô thị vệ tinh còn rất hạn chế. Do đó, để phát triển được các đô thị vệ tinh, TS.KTS. Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần thu hút nguồn lực phát triển đô thị vệ tinh, trong đó có các cơ chế khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ đầu tư cần thiết vào các đô thị vệ tinh.

Thu hút người dân di chuyển khỏi đô thị trung tâm, tạo ra sức hút làm người dân di chuyển từ các khu vực khác về đô thị vệ tinh sinh sống, dần tạo ra các trung tâm mới. Các chuyên gia khẳng định, nguồn lực để Hà Nội phát triển các đô thị vệ tinh có thể được lấy từ chính nguồn lực đất đai (quỹ đất dôi dư ở đô thị trung tâm khi các cơ sở sản xuất, giáo dục, y tế, khu dân cư… di chuyển khỏi nội đô).

Cùng với đó, để phát triển được các đô thị vệ tinh, Hà Nội phải phát triển hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh. Đặc biệt, KTS.Trần Huy Ánh - Hội kiến trúc sư Hà Nội lưu ý, để đô thị vệ tinh phát triển thì phải tách ra khỏi đô thị trung tâm. Để các đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm không dính liền với nhau thành “đô thị đầu to”, phát triển theo “vết dầu loang” thì cần quy hoạch vùng giãn cách/cấm xây dựng với những quy định ngặt nghèo. Để hạn chế sự phát triển theo dạng lan tỏa của đô thị trung tâm hiện nay cũng như các đô thị vệ tinh sau này, hệ thống hành lang xanh và vành đai xanh được sử dụng như một hệ thống hàng rào “mở”, ngăn cách giữa đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, giữa khu vực bảo tồn và khu vực phát triển.

Xây dựng và phát triển các đô thị vệ tinh Hà Nội là công việc vừa quan trọng, vừa cấp bách, đòi hỏi phải có một kế hoạch tổng thể vừa đồng bộ vừa tích cực, một hệ thống cơ chế chính sách phù hợp và đủ sức hấp dẫn. Để làm được điều này, rất cần sự đồng lòng nhất trí, cùng chung tay góp sức của nhân dân và các cấp chính quyền Hà Nội, để Thủ đô ngày càng phát triển giàu đẹp.


Theo Hà Nội portal

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)