Đà Nẵng nỗ lực xây dựng đô thị thông minh

Thứ hai, 15/08/2016 14:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời gian qua, Đà Nẵng đạt nhiều thành quả nhất định trong xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), cải cách thủ tục hành chính. Trên nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin-truyền thông (CNTT-TT) hiện có, Đà Nẵng đang quyết tâm xây dựng Thành phố thông minh (TPTM), nhằm cải thiện, nâng cao mức sống của người dân, phục vụ người dân tốt nhất.

Tổng đài dịch vụ công Đà Nẵng là tổng đài điện tử đầu tiên của cả nước, nơi kết nối người dân và chính quyền.

Bước đột phá về chính quyền điện tử

Với những kết quả đạt được sau 10 năm liên tục phát triển, Đà Nẵng tập trung xây dựng hệ thống CQĐT, đặt nền móng để đưa ứng dụng CNTT-TT phục vụ rộng rãi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Hiện Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, năm thứ bảy liên tiếp dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT khối các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư (2009-2015); đạt Giải nhất giải thưởng ASEAN ICT ở hạng mục Giải thưởng ứng dụng CNTT-TT dành cho khu vực Nhà nước do Hội đồng Bộ trưởng Viễn thông và CNTT các nước ASEAN trao tặng. Đà Nẵng bắt đầu xây dựng TPTM năm 2014, và năm 2015 triển khai xây dựng Hệ thống CQĐT theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Cũng trong năm 2015, Đà Nẵng tiến hành chuyển giao mô hình CQĐT cho 17 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện Công viên phần mềm ở Đà Nẵng đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 90%. Tổng doanh thu toàn ngành sáu tháng đầu năm 2016 ước đạt 8.212 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng doanh thu hoạt động CNTT ước đạt 4.946 tỷ đồng, tăng 11%.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh, TP Đà Nẵng hội tụ đủ năm yếu tố cơ bản để xây dựng mô hình TPTM. Đó là Hành lang pháp lý và phát triển bền vững - Quản trị thông minh - Cơ sở hạ tầng thông minh - Nền kinh tế thông minh - Phát triển nguồn nhân lực. Các yếu tố này gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo sự kết nối và hỗ trợ mục tiêu xây dựng TPTM. Để chuẩn bị mục tiêu lâu dài này, Đà Nẵng triển khai mạng đô thị thành phố (mạng MAN), với chiều dài gần 300km cáp quang, băng thông mạng trục đạt tốc độ 20Gbps, kết nối 95 cơ quan nhà nước, từ UBND thành phố đến các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã và các đơn vị sự nghiệp; kết nối Khu công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng và kết nối với các cơ quan Đảng qua đầu mối Văn phòng Thành ủy. Qua đó, giúp việc kết nối, trao đổi giữa các cơ quan nhà nước, cơ quan nhà nước với người dân được nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm. Ngoài ra, Đà Nẵng triển khai thí điểm một số ứng dụng CNTT vào hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình, hệ thống giám sát giao thông, trung tâm giám sát tự động tại Nhà máy nước Cầu Đỏ…

Y tế và giáo dục là hai lĩnh vực đầu tiên Đà Nẵng chọn để xây dựng TPTM. Hiện, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký biên bản ghi nhớ về dự án Xây dựng TPTM với UBND thành phố Đà Nẵng. Theo đó, Viettel sẽ hỗ trợ Đà Nẵng ứng dụng CNTT-TT toàn diện trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Việc sử dụng CNTT-TT sẽ được áp dụng trong quản lý tổng thể bệnh viện và phục vụ khám, chữa bệnh. Ở lĩnh vực giáo dục, CNTT sẽ giúp công tác quản lý học sinh, quản lý nhân sự nhà trường, sắp xếp thời khóa biểu, quản lý kỳ thi và số điểm. Dự kiến quý II-2017, dự án về hai lĩnh vực này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, làm tiền đề mở rộng phạm vi triển khai TPTM của Đà Nẵng đến năm 2020. Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel đánh giá, Đà Nẵng có rất nhiều thuận lợi về con người, hạ tầng, đặc biệt là năng lực điều hành của lãnh đạo thành phố. Đây là yếu tố then chốt để Đà Nẵng xây dựng TPTM thành công.

Mang lại lợi ích hài hòa cho người dân

Hòa Vang là huyện duy nhất của TP Đà Nẵng có nhiều xã vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc ứng dụng CNTT trong xây dựng CQĐT nơi đây, đã mang lại một diện mạo mới, nhất là trong cải cách hành chính, CQĐT một cửa. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo huyện cho biết, nhờ được trang bị cơ sở hạ tầng CNTT-TT đồng bộ, hiện nay hầu hết trung tâm 11 xã đều xây dựng CQĐT một cửa hiện đại, có mạng Wifi phủ sóng. Khoảng cách về địa lý được rút ngắn, khi tất cả văn bản đi-đến qua hệ thống thư điện tử nội bộ, đã tiết kiệm thời gian và chi phí. Trưởng phòng Nội vụ huyện Trà Đình Thứ cho biết, khi Đà Nẵng xây dựng TPTM, bà con vùng sâu, vùng xa là người được thụ hưởng đầu tiên. Về phía quản lý nhà nước, bộ phận một cửa tại các xã đều được gắn hệ thống ca-mê-ra, vừa kiểm tra hiệu quả công việc, vừa kiểm tra cán bộ.

Hòa Nhơn hiện là một trong 11 xã đi đầu ở Hòa Vang về cải cách thủ tục hành chính, một cửa điện tử, ứng dụng CNTT-TT, tin nhắn SMS. Hiện, bộ phận một cửa của xã đã cắt cử cán bộ mang hồ sơ hoàn toàn miễn phí đến tận nhà dân theo phiếu hẹn. Người dân 15 thôn của xã đều đồng lòng, ủng hộ cách làm của chính quyền. Một sáng chủ nhật, chúng tôi xuống Nhà sinh hoạt thôn Phước Thái, chứng kiến buổi giải quyết thủ tục hành chính cho dân của đoàn cán bộ xã Hòa Nhơn. Từ rất sớm, bà con mang giấy tờ liên quan, có mặt đông đủ. Cụ Lê Xuân, 85 tuổi, đến làm thủ tục thay đổi một số nội dung về thửa đất trong “sổ đỏ” của gia đình. Ông tâm sự: Sống chừng này tuổi, vẫn còn tinh mắt, cứng chân để ra nhà sinh hoạt thôn, gặp cán bộ xã. Rất vui vì cán bộ nghĩ cho dân.

Qua tìm hiểu, các hộ dân rất đồng tình với cách làm này của cán bộ xã. Đa số người dân đều là thuần nông và công nhân lao động trong các khu công nghiệp, nhiều người không sắp xếp được thời gian để đến UBND xã làm các thủ tục hành chính. “Mình xuống với dân, thể hiện được sự cầu thị, trách nhiệm, như thế người dân mới có cơ hội bày tỏ tâm tư, nguyện vọng…, xóa bỏ định kiến của người dân về cán bộ. Cán bộ phải trong sạch, không nhũng nhiễu, phải gần dân. Mục đích cuối cùng chúng tôi muốn hướng tới là xây dựng CQĐT thân thiện” - Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.

Xây dựng TPTM, điều cần nhất vẫn là yếu tố con người, phải năng động, quyết liệt, dám nghĩ dám làm, để vận hành hệ thống CNTT-TT hiệu quả. Như Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đánh giá, để tăng chất lượng cuộc sống cho người dân, việc xây dựng TPTM là tất yếu. Một đô thị thông minh, thì kinh tế sẽ ngày càng tăng trưởng; môi trường sống được cải thiện, người dân được phục vụ tốt hơn; tài nguyên sử dụng tiết kiệm hơn, tăng khả năng tham gia quản lý và giám sát chính quyền từ phía người dân.


Theo báo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)