Trước những câu hỏi chất vấn của các đại biểu về những nội dung quy hoạch và quản lý quy hoạch khu vực Hồ Gươm, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho biết, về quy hoạch phân khu Hồ Gươm, TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ tất cả các quy hoạch ở phân khu này.
“Đây là khu vực có vai trò quan trọng, nhạy cảm vì nó gắn liền với di tích Hồ Gươm. Trong quá trình triển khai quy hoạch phân khu Hồ Gươm, chúng tôi đã tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, xin ý kiến của các bộ, ngành để làm định hướng. Đến nay, quy hoạch đã cơ bản hoàn thành và đang hoàn thiện để trình UBND TP Hà Nội phê duyệt”, ông Lê Vinh cho biết.
Đối với các dự án liên quan tới di tích Hồ Gươm như chỉnh trang các tuyến phố xung quanh (đèn chiếu sáng, trồng thêm cây xanh), chúng tôi đã rút kinh nghiệm từ đường Lê Trọng Tấn và tiến hành mời tư vấn thiết kế có kinh nghiệm từ các tập đoàn danh tiếng nước ngoài.”, ông Vinh nói thêm.
Trả lời chất vấn về các dự án thuộc diện di dời, ông Lê Vinh cho biết, hiện nay có 117 cơ sở sản xuất công nghiệp đang nằm trong diện di dời ra khỏi khu vực trung tâm, và đã di dời 26 cơ sở với tổng diện tích là 45 ha. Quỹ đất này sẽ được phân bổ cho việc xây dựng trường học là 7,7 ha, cây xanh 5,6 ha, còn lại là nhà ở và các công trình công cộng. Trong thời gian tới, quỹ đất di dời sẽ tiếp tục được chuyển đổi theo nhu cầu xã hội.
Về dự án Tân Hoàng Minh tại khu phụ cận Hồ Gươm, ông Lê Vinh khẳng định dự án này chưa được phê duyệt và đang xin ý kiến các bộ ngành liên quan, bởi đây là một công trình tương đối nhạy cảm. Đối với dự án Tân Hoàng Minh, ông Vinh cho biết, chủ đầu tư đã chấp nhận phương án cũ đã được phê duyệt, chỉ xây dựng công trình 8 tầng tại vị trí này.
Về công trình Trung tâm Thông tin Văn hoá Hồ Gươm tại số 2 Lê Thái Tổ, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết, Trung tâm này đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng gần một năm nay và đang trong quá trình thử nghiệm để triển khai chức năng.
Trung tâm này không thuộc ranh giới khu di tích Quốc gia đặc biệt, một phần bề mặt thuộc Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Công trình có 3 tầng, trong đó tầng 1 có tính chất không gian mở, mật độ xây dựng 30%, mật độ trống 70%, là nơi diễn ra hoạt động trưng bày theo kỳ cuộc, như trưng bày ảnh, hội hoạ, thông tin lịch sử Hồ Gươm và các khu vực văn hoá vùng thủ đô HN.
Gần đây, UBND quận Hoàn Kiếm cho phép triển khai triển lãm văn hoá gốm Chu Đậu thuộc tỉnh Hải Dương, trên cơ sở phối hợp với Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro để quảng bá gốm Chu Đậu, là sản phẩm văn hoá cơ bản của vùng Thủ đô.
UBND Thành phố cũng có chỉ đạo toàn bộ khu vực Hồ Gươm sẽ phát triển không gian đi bộ vào 3 tối cuối tuần. Trong quá trình nghiên cứu, quận Hoàn Kiếm phối hợp với các sở ngành sẽ đưa công trình số 2 Lê Thái Tổ vận hành với chức năng để đáp ứng mở rộng không gian đi bộ tại khu vực Hồ Gươm.
"Trong tương lai gần, khi phát triển khu vực Hồ Gươm thành không gian đi bộ, công trình sẽ là hạt nhân phát triển hoạt động văn hoá và hạ tầng du lịch như đúng tính năng của nó. Công trình này đã được cơ quan Trung ương đồng thuận và Thường trực Thành uỷ thông qua" - Ông Tuấn nhấn mạnh.
Tổng kết lại nội dung chất vấn trên, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch trình các cấp theo đúng quy định. Chủ tịch HĐND Thành phố yêu cầu quản lý quy hoạch phải phân cấp, phân công trách nhiệm rõ ràng, vì trên địa bàn thành phố có cả cơ quan, công trình của Trung ương.
Theo chinhphu.vn