Sau ba năm thực hiện Luật Thủ đô, thành phố đã lập, triển khai một khối lượng quy hoạch lớn. Chất lượng quy hoạch được bảo đảm với tầm nhìn xa, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Thành phố Hà Nội đang thực hiện nhiều dự án tạo động lực phát triển các địa phương phía bắc sông Hồng, cũng như các khu vực lân cận, bằng việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.
Sau ba năm thực hiện Luật Thủ đô, thành phố đã thông qua 33 đồ án quy hoạch chung, 35 quy hoạch phân khu, khoảng 400 nhiệm vụ, đồ án quy hoạch khu chức năng, thiết kế đô thị. 100% số đồ án quy hoạch ngành cũng đã hoàn thành với phần lớn đồ án đã được phê duyệt như: Quy hoạch sử dụng đất các quận, huyện, thị xã đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất từ năm 2011 đến 2015. Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp; thương mại; nghề và làng nghề; mạng lưới bán buôn, bán lẻ; kinh doanh xăng dầu; điện lực… Kèm theo đó là việc ban hành các văn bản về quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc như: quy chế chung, quy chế khu phố cổ, khu phố cũ, công trình cao tầng… Thành phố đang xây dựng các quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc quận, thị xã, thị trấn, khu đặc thù, quy định cấp phép xây dựng. Đáng chú ý, trong giai đoạn này, công tác quy hoạch và xây dựng nông thôn mới được triển khai rất tích cực. Đến nay, 401 xã của Thủ đô đã được quy hoạch xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành lập, ban hành các quy hoạch chuyên ngành như: chương trình phát triển nhà ở, quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, quy hoạch điều chỉnh quy hoạch - xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030…
Về công tác chỉnh trang đô thị, sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu cơ bản đã được triển khai, phê duyệt với 48 đồ án thiết kế đô thị, chưa kể 46 đồ án giao trước năm 2015. Tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo" xây dựng hai bên tuyến đường mới mở được thành phố tập trung chỉ đạo, giải quyết và có giải pháp xử lý cho từng đối tượng.
Đối với việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế, giáo dục và các cơ quan, đơn vị ra ngoài khu vực nội đô lịch sử, được thành phố thực hiện theo đúng Điều 9 Luật Thủ đô. Thành phố không xem xét giải quyết các trường hợp mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây mới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong khu vực nội đô.
Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, những kết quả mà Hà Nội thực hiện được trên lĩnh vực quy hoạch- kiến trúc sau ba năm thi hành Luật Thủ đô là rất lớn, song vẫn còn một số hạn chế. Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới song chưa đề cập rõ tiêu chí đặc thù của vùng nông thôn Hà Nội, nhất là với gần 70 xã nằm trong vùng phát triển đô thị. Một điểm bất hợp lý nữa là nhiều quy hoạch xây dựng chuyên ngành, quy hoạch vùng Thủ đô mới phê duyệt đã làm cho Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (được phê duyệt năm 2011) phải điều chỉnh cục bộ, dẫn đến các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đã duyệt cũng phải điều chỉnh theo.
Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, trong Luật Thủ đô có đưa ra các giải pháp quy hoạch, xây dựng nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, nhưng sau ba năm thực hiện, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông ở Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Đối với vấn đề phát triển đô thị, ông Phạm Sỹ Liêm nhận xét, vẫn còn nhiều bất cập do chưa có giải pháp đồng bộ trong việc giải phóng mặt bằng, huy động nguồn vốn từ quỹ đất.
Để giải quyết những vướng mắc trên, các chuyên gia cho rằng Hà Nội cần xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành, trung ương và nhất là với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô. Bên cạnh đó, phải xây dựng các thể chế để bảo đảm gắn kết giữa bảo tồn và phát triển đối với quỹ di sản (gồm các di tích lịch sử, văn hóa, công trình kiến trúc, làng cổ, làng nghề, các khu di sản đặc trưng…). Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, để việc thực hiện Luật Thủ đô hiệu quả, điều quan trọng là phải bảo đảm đồng bộ về cơ chế, chính sách trong quản lý phát triển các khu vực cải tạo đô thị và tái thiết đô thị.
Theo Báo Nhân dân điện tử