Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA), năm 2015 lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 5,5 tỉ USD, gần bằng 39% lượng kiều hối cả nước. Trong đó, tỉ lệ kiều hối đầu tư vào lĩnh vực BĐS chiếm gần 22%.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết trong năm 2015, cả nước đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 23 tỉ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực BĐS đạt hơn 2,3 tỉ USD. Riêng tại TP.HCM đã thu hút được nguồn vốn FDI khoảng 1,3 tỉ USD vào lĩnh vực BĐS. Nhiều quỹ đầu tư lớn đã rót vốn vào dự án BĐS của công ty Việt Nam như quỹ đầu tư IFC (World Bank), Công ty Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản), quỹ đầu tư CREED (Nhật Bản), Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản), Tập đoàn Gamuda Land (Malaysia), quỹ đầu tư Providence và Công ty Adam Khoo (Singapore)… Các nhà đầu tư nước ngoài thường thực hiện đầu tư vào các doanh nghiệp (DN) BĐS trong nước thông qua các phương thức chủ yếu là mua lại cổ phần, góp vốn đầu tư trực tiếp vào dự án hoặc cho vay.
Qua sáu tháng thực hiện Luật Nhà ở 2014, đến nay trên địa bàn TP đã có khoảng 1.000 người nước ngoài đặt chỗ mua nhà, tập trung vào các dự án BĐS cao cấp của các DN có uy tín, thương hiệu. Theo ông Châu, một kết quả đáng mừng là các DN BĐS Việt Nam đang thống lĩnh thị trường BĐS, kể cả trong hoạt động mua bán, sáp nhập M&A chứ không phải là DN nước ngoài. Đang dần dần hình thành những tập đoàn phát triển BĐS trong nước lớn cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính, sản phẩm đa dạng để dẫn dắt thị trường BĐS và hợp tác bình đẳng với bên nước ngoài.
Với xu thế đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại, đặc biệt là sau TPP, HoREA dự báo sẽ có sự chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam và TP.HCM sẽ thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường BĐS. Trước hết là phân khúc thị trường BĐS công nghiệp, nhà xưởng, phân khúc văn phòng cho thuê, căn hộ cho thuê, căn hộ dịch vụ.
Theo Pháp luật TP HCM