Công suất nhà máy sẽ được nâng từ 6,5 lên 8,5-9 triệu tấn/năm, tương đương 192.000 thùng dầu/ngày. Quy mô đầu tư bao gồm bổ sung một số phân xưởng công nghệ mới, nâng công suất của các phân xưởng hiện hữu; cải hoán các phân xưởng phụ trợ... Dự kiến, Dự án mở rộng nâng cấp Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021.
Ông Ngọc cho biết, dự kiến cuối tháng Tám, BSR sẽ ký hai hợp đồng quan trọng gồm hợp đồng tư vấn quản lý dự án và hợp đồng triển khai thiết kế cơ sở. Hiện BSR đã chọn được nhà thầu đạt mong muốn kỳ vọng, tiêu chí như hồ sơ đề ra.
Việc ký hai hợp đồng sẽ là mốc quan trọng để thúc đẩy triển khai dự án mở rộng, để cuối 2021 sẽ đưa nhà máy sau nâng cấp đi vào hoạt động nâng cao tính hiệu quả cho BSR và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nâng cao khả năng cung cấp ra thị trường các sản phẩm tiêu chuẩn cao, đạt tiêu chuẩn EURO 5 được các nước sử dụng; nâng cấp nhà máy với công nghệ chế biến hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường theo quy định hiện hành, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài những sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, việc nâng cấp, mở rộng nhà máy sẽ cho phép sản xuất nhiều sản phẩm hạt nhựa, nhựa đường, xăng A97, A98, triển khai cung cấp nhiều nhiên liệu đặc biệt phục vụ quân sự và quốc phòng. Với việc nâng cấp, mở rộng, BSR dự kiến sẽ cần thêm khoảng 10-15% lao động, tương đương 200 nhân công.
BSR đang đáp ứng 30-35% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước. Sau khi hoàn thành nâng cấp mở rộng, công suất tăng nhà máy sẽ tăng khoảng 30%. Tuy nhiên, tới thời điểm năm 2021, nhu cầu và mức tiêu thụ thị trường tăng mạnh, dự kiến khả năng cung ứng của BSR tới thị trường trong nước kỳ vọng vẫn sẽ giữ được khoảng 35%.
Khu Kinh tế Dung Quất đã chuẩn bị bốn khu đất với tổng diện tích hơn 108ha (ba khu nằm sát nhà máy hiện hữu, một khu cạnh cảng xuất sản phẩm) tại hai xã Bình Trị và Bình Thuận, huyện Bình Sơn, để bàn giao cho Ban quản lý dự án nâng cấp, mở rộng trước quý 1/2016./.
Theo TTXVN/VIETNAM+