Hơn 10 năm là đô thị loại II, TP Cà Mau luôn giữ được tốc độ tăng trưởng cao (bình quân 15,35%/năm). Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được chú trọng đầu tư, đặc biệt là giao thông đô thị (tỷ lệ đất giao thông trên đất đô thị đạt 14,55%, bình quân 15m2/người), các khu đô thị, khu dân cư mới từng bước được hình thành góp phần tạo diện mạo của TP năng động ở vùng ĐBSCL.
Mục tiêu của TP đến năm 2015, xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Hiện nay, TP đang xây dựng nhiều công trình, dự án từ vốn trong và ngoài nước nhằm nâng cấp đô thị, cải tạo cảnh quan, môi trường như: Đường vành đai 1, đường về cụm khí điện đạm, mở rộng đường Trần Hưng Đạo. Nâng cấp hoàn thiện các tuyến đường nội thành, xây dựng các tuyến đường trong các đô thị mới. Đồng thời đẩy nhanh các dự án cải tạo môi trường, chỉnh trang nhà ở ven sông kết hợp với cải tạo hệ thống kỹ thuật như cấp, thoát nước, điện, thông tin liên lạc. Từng bước triển khai dự án khu tiểu thủ công nghiệp và KCN cũng như di dời các nghĩa trang trong nội ô TP tới khu vực quy hoạch tập trung…
TS Nguyễn Quốc Định - Giám đốc Sở Xây dựng Cà Mau chia sẻ: Quá trình phát triển đô thị Cà Mau cũng gặp nhiều khó khăn hạn chế với những thách thức to lớn như chất lượng môi trường đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; chất lượng quy hoạch còn thấp; phát triển đô thị còn bị động, thiếu các chương trình, kế hoạch; ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải chưa được xử lý, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; nguồn nhân lực còn thấp và thiếu... Tuy nhiên, theo TS Định để phù hợp với tình hình mới, TP Cà Mau cần quy hoạch xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, đô thị xanh, đô thị bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. “TP Cà Mau cần hướng tới quy hoạch đô thị với mục tiêu xanh, sinh thái và kinh tế bền vững, tránh tình trạng tập trung dân số quá tải đối với môi trường và hạ tầng kinh tế - xã hội. Đồng thời phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Sở Xây dựng cũng đang nghiên cứu xây dựng Đề án chống ngập lụt cho TP và nghiên cứu xác định cao trình cốt nền trong xây dựng theo các kịch bản nước biển dâng”, TS Định nhấn mạnh.
Để nhanh chóng đưa Cà Mau thành đô thị sinh thái, thân thiện môi trường, TP cũng đang nghiên cứu ứng dụng các giải pháp về thiết kế, kiến trúc và kết cấu nhằm sử dụng năng lượng nhân tạo có hiệu quả. Tận dụng thông gió tự nhiên, ánh sáng tự nhiên để tiết kiệm năng lượng điện và cải thiện chất lượng môi trường sống trong công trình. Mạnh dạn các loại vật liệu và cấu kiện xây dựng không nung, vật liệu thân thiện với môi trường để thay thế dần vật liệu nung truyền thống. Qua đó, lồng ghép những vấn đề về ứng phó thích nghi với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường để bổ sung cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP…
Bên cạnh đó, TP đang nghiên cứu quy hoạch xây dựng một khu đô thị mới ở P.8 và xã Lý Văn Lâm với quy mô khoảng 580ha. Theo TS Định, ngoài việc quy hoạch cấu trúc đô thị với khung giao thông thích hợp, liên kết tốt với các trục giao thông chính, gắn kết các khu chức năng với nhau và với các vùng xung quanh. Tận dụng đặc thù sông nước, TP cần quy hoạch xây dựng khu đô thị này là đô thị xanh, đô thị sinh thái, thân thiện với môi trường. Trên cơ sở đó khai thác tốt cảnh quan thiên nhiên, có tính đến việc bảo vệ môi trường đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển đô thị bền vững.
Tạm biệt TP trẻ, tạm biệt Đất Mũi, hy vọng những dự định ấp ủ của ngành Xây dựng Cà Mau nhanh chóng trở thành hiện thực, xây dựng được TP xanh, sạch, đẹp, đáp ứng là một đô thị sinh thái ở cực Nam của Tổ quốc - một vùng đất bao la sóng nước, nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam người ta thấy mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở biển phía Tây.
Theo Báo Xây dựng điện tử