Tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung là xu hướng tất yếu trong việc phát triển công nghệ sạch. Theo nội dung chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành liên quan thì những VLXKN gồm: gạch xi măng cốt liệu, vật liệu nhẹ như gạch từ bê tông khí không chưng áp, gạch từ bê tông bọt và một số sản phẩm khác như đá chẻ, gạch đá ong, VLXKN từ đất đồi, phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp...
Theo đó, tỉnh đã thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 10CT-CT ngày 11-6-2012 về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh; đồng thời ban hành kế hoạch phát triển VLXKN đến năm 2020 và lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại các địa phương.
Trước mắt Quảng Bình duy trì các lò gạch tuynel hiện có và khuyến khích phát triển các nhà máy sản xuất VLXKN. Đến năm 2015 chấm dứt các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch như: than, dầu khí... Tỉnh cũng quy định các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước tại các đô thị loại 3 phải sử dụng 100% vật liệu không nung kể từ năm 2014, các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXDKN từ năm 2014 đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100% VLXKN.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và các sở, ngành liên quan tham quan dây chuyền sản xuất
của Nhà máy sản xuất tấm lợp và gạch không nung Cosveco.
Trên địa bàn tỉnh hiện có nhà máy sản xuất tấm lợp và gạch không nung Cosevco tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình với công suất 80 triệu viên/năm theo công nghệ của Cộng hòa Liên bang Đức. Với tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng, nhà máy được thiết kế với hệ thống thiết bị, dây chuyền sản xuất đồng bộ và tiên tiến sản xuất gạch các loại.
Theo quy định, từ năm 2013, tại các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước buộc phải sử dụng 100% vật liệu không nung (đối với các các đô thị loại 3 trở lên) và tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% nhằm phấn đấu đến năm 2015, cả nước sẽ xóa bỏ hoàn toàn các lò nung thủ công và cơ sở sản xuất gạch block nhỏ lẻ.
Theo Báo Xây dựng điện tử