Nhu cầu nhà tái định cư (TĐC) trên địa bàn Hà Nội rất lớn, riêng 3 dự án đường vành đai đã cần 12.800 căn hộ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện quỹ nhà TĐC của thành phố (TP) có 1.257 căn hộ chưa sử dụng. Sở Xây dựng Hà Nội dự tính đề xuất TP cho mua nhà thương mại làm quỹ nhà TĐC.
Khu Dịch Vọng là một trong những nơi có dự án triển khai từ năm 2001 đến nay vẫn còn dở dang.
Cũng theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, nhu cầu nhà TĐC của Hà Nội năm 2012 là 6.500 căn hộ. Mặc dù TP đã xác lập tới 9 dự án xây dựng nhà TĐC tập trung (5 dự án do các quận, huyện làm chủ đầu tư, 4 dự án do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư) nhưng nếu không có những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, làm rõ các vướng mắc, việc đáp ứng nhà TĐC sẽ luôn ở thế bị động. Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, Sở Xây dựng cho rằng, hầu hết các dự án giao cho địa phương làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ. Đơn cử, quận Cầu Giấy có tới 3 dự án TĐC điều chỉnh tổng mức đầu tư, 1 dự án khác đang chờ làm thủ tục để điều chỉnh vốn. Dự án N07 khu 5,3ha Dịch Vọng triển khai từ năm 2001 đến nay vẫn dở dang, đơn vị thi công đã xây thô đến tầng thứ 13 từ năm 2006, sau đó dừng không thực hiện tiếp. Thừa nhận việc cân đối quỹ nhà TĐC cho các dự án nói chung là thiếu, nhưng Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng, ngược lại các dự án đến giai đoạn cần nhà TĐC ngay cũng chưa nhiều. Ngoài ra, còn có tình trạng dự án "găm" nhà TĐC mặc dù chưa có nhu cầu sử dụng. Việc này, Sở Xây dựng đã nhiều lần kiến nghị UBND TP Hà Nội cho điều chuyển nhà TĐC đến những dự án cần sử dụng trước. Sở Xây dựng đang yêu cầu các chủ đầu tư đang thực hiện dự án nhà TĐC báo cáo khó khăn, tiến độ. "Có dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa xong, có dự án xây xong móng nhưng không có tiền để làm tiếp, có dự án đang xin chuyển mục đích, không xây nữa" - ông Tuấn nói. Về lâu dài, Sở Xây dựng đề xuất xây dựng một số khu TĐC tập trung và nghiên cứu việc mua lại nhà thương mại của doanh nghiệp (DN) làm quỹ nhà TĐC, TP đã giao Sở rà soát để lập cơ chế. Một số DN đã có văn bản đề nghị TP mua lại quỹ nhà thương mại để phục vụ cho nhu cầu TĐC. Tuy nhiên, muốn mua lại nhà từ DN phải tính được giá trị đất trước đây DN đã nộp cho Nhà nước để khấu trừ. Cơ quan quản lý sẽ xem xét những chi phí nào hợp lý, chưa hợp lý để tính giá thành. Lợi nhuận DN được hưởng sẽ giới hạn ở mức 10%, đây cũng là mức lợi nhuận mà các DN tham gia xây dựng nhà ở xã hội được hưởng… Dự kiến, quỹ nhà TĐC mua từ dự án nhà thương mại sẽ ưu tiên cho các dự án có vay vốn ODA hoặc sử dụng vốn vay nước ngoài. Đây là những dự án đòi hỏi nguồn vốn đối ứng trong nước, chủ yếu là để GPMB. Ngoài ra, sẽ ưu tiên cho các dự án trọng điểm, như dự án tàu điện trên cao, các dự án giao thông lớn...
Về việc TĐC bằng tiền, ông Tuấn cho rằng, trước hết phải tính được sát giá thị trường và việc bán nhà TĐC cũng theo giá thị trường. Điểm khác biệt là chỉ người dân trong đối tượng GPMB mới được mua nhà ở các dự án đó. Để làm được việc này, cần có các khu TĐC tập trung, ở nhiều điểm khác nhau để người dân có thể chọn vị trí TĐC phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính. Điều này đòi hỏi tiềm lực lớn, nguồn cung dồi dào, nên giai đoạn này khó có thể triển khai. Ông Tuấn cho biết, dự kiến năm 2012, TP cần hơn 3.500 tỷ đồng để xây quỹ nhà TĐC. Trong các chương trình của TP, chương trình phát triển hạ tầng, giao thông đô thị là rất quan trọng. Cùng với đó là các chương trình lớn khác như giáo dục, y tế. Tất cả các chương trình này đều cần quỹ nhà TĐC. Rõ ràng, vấn đề nhà TĐC cần phải được quan tâm đi trước một bước.
Theo Hà Nội mới