Ngày 27-8, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp với quận Hoàn Kiếm tổ chức lấy ý kiến cán bộ, nhân dân trong quận đóng góp vào Dự thảo Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc khu phố cổ Hà Nội.
Quy chế lần này đã có nhiều điểm khác so với trước đây, đặc biệt là định hướng quy hoạch, quản lý đến từng ô phố. Các công trình ít có giá trị có thể được cải tạo, sửa chữa với kiến trúc mới, không bắt buộc phải thực hiện theo kiến trúc cũ. Tuy nhiên, tại đây, nhiều ý kiến còn băn khoăn về việc giải quyết các công trình cao tầng mới được cấp phép xây dựng, hạ tầng đô thị. Ðiều người dân quan tâm nhất là cần phải làm rõ họ được gì từ việc thực hiện quy chế, làm thế nào để người dân được sống trong một đô thị có chất lượng.
Trưởng phòng Thông tin Quy hoạch - kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc) Trần Việt Thắng thừa nhận, dự thảo quy chế tuy chưa nêu rõ được quyền lợi của người dân nhưng cũng "giải thoát" cho nhiều công trình không nằm trong diện phải bảo tồn, tôn tạo. Ðối với 249 công trình có giá trị, việc đưa ra các cơ chế để Nhà nước hỗ trợ bảo tồn là nội dung rất khó chưa giải quyết được rốt ráo, nhưng quy chế cũng đã gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền, các sở, ngành đối với việc thực hiện bảo tồn, tôn tạo.
Trước đó, ngày 21-8, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã phối hợp UBND quận Ba Ðình công bố và bàn giao Ðồ án Thiết kế đô thị - tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tuyến đường Trần Phú - Kim Mã, tỷ lệ 1/500. Ðây là tuyến phố đầu tiên có thiết kế đô thị để chỉnh trang hai bên và là cơ sở quan trọng để xử lý, ngăn chặn tái diễn tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo" sau khi thực hiện các dự án mở đường. Khu vực lập thiết kế đô thị thuộc địa bàn hai phường Kim Mã và Ðiện Biên, quận Ba Ðình. Ranh giới nghiên cứu gồm một đến hai lớp nhà hai bên tuyến đường. Ðiểm đầu tuyến từ nút giao Lê Trực - Trần Phú - Ông Ích Khiêm; điểm cuối tuyến tại nút giao Kim Mã - Nguyễn Thái Học - Sơn Tây.
Theo quy hoạch, các công trình tại các ô đất có chức năng phù hợp quy hoạch và đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng thì được phép xây dựng, cải tạo, chỉnh trang với tầng cao tối đa năm tầng và một tum thang. Các công trình có chức năng không phù hợp với quy hoạch khi thành phố chưa triển khai xây dựng nếu có đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng thì được phép cải tạo, xây dựng công trình tạm với tầng cao tối đa ba tầng. Các ô đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng thì thu hồi, sử dụng vào mục đích công cộng (mặt tiền dưới 3 m; chiều dài dưới 3 m; diện tích nhỏ hơn 15 m2).
Có thể nói, việc xây dựng những tuyến phố văn minh, hiện đại là yêu cầu bức thiết khi Thủ đô Hà Nội có diện tích 3.344 km2 (sau khi hợp nhất vào năm 2008), là đô thị có diện tích lớn nhất nước và là một trong 17 thủ đô có quy mô lớn trên thế giới. Những quy định trên sẽ là cơ sở cho các tổ chức, cá nhân, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan thực hiện bảo tồn những công trình cũ có giá trị; những công trình xây mới, hoặc cải tạo, chỉnh trang kiến trúc hai bên tuyến đường theo hướng phát triển bền vững. Từ đó, tạo ra một diện mạo đô thị mới để người dân có chất lượng cuộc sống cao.
Báo Nhân dân điện tử