Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 8/2019

Thứ năm, 05/09/2019 12:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đảm bảo ATGT dịp Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới; sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư BT; quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2020;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 8/2019.

Ảnh minh họa

Đảm bảo ATGT dịp Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9 và khai giảng năm học mới 2019-2020, ngày 14/08/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 989/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ thẩm quyền, trách nhiệm được giao, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, bảo đảm an toàn kĩ thuật phương tiện trong hoạt động vận tải. Có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công

Ngày 21/08/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1042/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; các Nghị quyết Phiên họp thường kỳ của Chính phủ; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019 và các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ vể đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.

24 quy hoạch hết hiệu lực

Ngày 26/08/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP ban hành Danh mục 24 quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

24 quy hoạch hết hiệu lực gồm: Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020; Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có xét đến 2030; Quy hoạch phát triển ngành vật liệu nổ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030;…

Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án

Đó là nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được nêu trong Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/08/2019 của Chính phủ.

Nghị định 68/2019/NĐ-CP quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) về sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng, định mức và giá xây dựng, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng; thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư BT

Ngày 15/08/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Dự án BT). Theo đó, tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT gồm: Quỹ đất; đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (cơ quan, tổ chức, đơn vị); tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (tài sản kết cấu hạ tầng); các loại tài sản công khác theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

Ngày 23/08/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 70/2019/NĐ-CP quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, trong đó, thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là 24 tháng. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 6 tháng trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Công an nhân dân năm 2018.

Phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ

Ngày 12/8/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Đề án đặt mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020

Ngày 15/08/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Theo đó, có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2020

Ngày 22/08/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1066/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2020.

Theo đó, tổng biên chế công chức năm 2020 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước và biên chế công chức dự phòng là 253.517 biên chế.

Thủ tướng chỉ thị tăng cường hỗ trợ, phát huy tốt vai trò Hội Luật gia

Ngày 30/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh việc phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam, Kết luận số 19-KL/TW ngày 23/5/2012 của Ban Bí thư khóa XI về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW và Thông báo Kết luận số 50-TB/TW để nắm vững những quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội Luật gia củng cố, kiện toàn tổ chức và phát triển hội viên; lựa chọn, bố trí các luật gia có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm, nhiệt tình và có đủ tiêu chuẩn để bố trí làm cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm công tác Hội; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ và hội viên.

Phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác xây dựng, thẩm định, góp ý kiến về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở và các thiết chế hòa giải khác, tư vấn, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp pháp lý theo quy định pháp luật; tham gia phòng chống tội phạm; tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, giới thiệu một số chức danh tư pháp, hội thẩm nhân dân, hòa giải viên và các công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật...

Ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Ngày 21/08/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định1048/QĐ-TTg ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tên tiếng Anh là One Commune One Product - OCOP, gọi tắt là Chương trình OCOP), gọi chung là Bộ Tiêu chí OCOP.

Bộ Tiêu chí OCOP là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và từng thời kỳ.

Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP gồm 6 ngành hàng: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)