Để thực hiện mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% tổng điện năng tiêu thụ so với dự báo nhu cầu năng lượng theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng nhà nước nâng cao vai trò quản lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó đặc biệt quan tâm đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm trong các khâu truyền tải, phân phối, kinh doanh và sử dụng điện; 100% các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo lại phải ứng dụng các giải pháp, thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện; sử dụng năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống trong lĩnh vực giao thông vận tải; những nhóm ngành sử dụng nhiều năng lượng phải thay thế dần các trang thiết bị có hiệu suất thấp, tiến tới loại bỏ các trang thiết bị công nghệ lạc hậu; các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm trên địa bàn phải có hệ thống quản lý năng lượng và thực hiện kiểm toán năng lượng theo quy định...
Trước những yêu cầu và quy định chặt chẽ này, đến nay nhiều mô hình sử dụng điện tiết kiệm đã được áp dụng, ý thức sử dụng điện tiết kiệm của doanh nghiệp, cộng đồng đã được nâng lên. Sau hơn 2 năm, toàn tỉnh đã thay thế 5.800 bộ đèn chiếu sáng giao thông, trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng với tổng mức đầu tư 114 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Đối với lĩnh vực xây dựng, 100% các công trình xây dựng mới được áp dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng chỉ tiêu kỹ thuật; 100% các công trình sử dụng vốn ngân sách sử dụng gạch không nung tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, trong công tác thẩm định, hàng trăm dự án có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, nhiên liệu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, không phù hợp với phát triển kinh tế của tỉnh và ảnh hưởng tới dân sinh, đã không được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Công nhân Điện lực TX Đông Triều hướng dẫn người dân cách sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Trong số 123 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, hiện có 79 cơ sở thực hiện kiểm toán năng lượng, 175 cán bộ của 82 cơ sở được Bộ Công Thương cấp chứng chỉ người quản lý năng lượng. Rất nhiều những giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được các doanh nghiệp sản xuất than, xi măng áp dụng, như: Khảo sát, quy hoạch lại hệ thống cấp điện, xăng, dầu cho các phụ tải; lắp đặt biến tần khởi động mềm cho thiết bị công suất lớn; thay thế hệ thống chiếu sáng bằng bóng đèn tiết kiệm; lắp đặt hệ thống thu nhiệt thừa tận dụng để sấy sản phẩm ướt; cải tiến nâng cao chân không bình ngưng, làm sạch bình ngưng; cải tiến hệ thống điều hòa, sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm, công nghệ tản nhiệt nước...
Điển hình như việc đầu tư các trạm bơm vận hành ở các mỏ hầm lò tại các Công ty Than Mông Dương, Khe Chàm, Thống Nhất, Nam Mẫu, Mạo Khê...; các thiết bị sàng tuyển tự động ở các Công ty Than Mạo Khê, Tuyển than Cửa Ông, Than Quang Hanh, Công ty Kho vận Đá Bạc...; các thiết bị chiếu sáng tự động lắp đặt hệ thống cảm biến ở Công ty Than Quang Hanh...
Giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh tiết kiệm được 177 triệu kWh, góp phần đưa hệ thống lưới điện được vận hành an toàn, ổn định và giảm tổn thất điện năng.
Ông Bùi Quang Sơn, Trưởng Phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương), cho biết: Năm 2016, điện năng sử dụng toàn tỉnh là 3,7 tỷ kWh, đến năm 2018 là 4,3 tỷ kWh; 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng điện toàn tỉnh đạt gần 2,6 tỷ kWh (tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2018). Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân ngày càng có xu hướng tăng cao. Năm 2019, Sở Công Thương và Điện lực Quảng Ninh đang tập trung thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải phi thương mại đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực Vịnh Hạ Long. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với ngành Điện tổ chức các chương trình tiết kiệm điện: Chiến dịch Giờ trái đất, trường học chung tay tiết kiệm điện; gia đình tiết kiệm điện; chương trình điều chỉnh phụ tải...
Theo Quangninh.gov.vn