Nội dung Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020

Thứ năm, 06/02/2020 14:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 5/2, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là buổi họp báo thường kỳ đầu tiên do Văn phòng Chính phủ tổ chức trong năm 2020, diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng ngày.

Dự họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan cùng đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí.  

Mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng gửi lời chúc mừng năm mới tới các đại biểu tham dự; đồng thời cho biết phiên thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Xuân Phúc diễn ra cùng ngày là phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên trong năm 2020, trong bối cảnh chúng ta đang triển khai quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh nCoV với tinh thần đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là "chống dịch như chống giặc".

Tại phiên họp, Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về phòng chống dịch nCoV; công tác triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác trong thời gian tới, kể cả đánh giá tác động của dịch nCoV gây ra đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; công tác xây dựng thể chế…

Trước hết, về công tác phòng chống dịch nCoV, các thành viên Chính phủ đánh giá các bộ, ngành, địa phương trong thời gian ngắn đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch nCoV. Đây là lần đầu tiên chưa có trong tiền lệ đối với việc công bố dịch ở Việt Nam. Nhiều biện pháp chúng ta đang áp dụng hiện nay mạnh hơn dịch SARS năm 2003, thậm chí cao hơn so với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị. Tinh thần là chúng ta chấp nhận thiệt thòi một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Có thể nói, chúng ta đã thực hiện quyết liệt và tốt công tác phòng chống dịch bệnh, các giải pháp là chủ động, toàn diện, mạnh mẽ. Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các văn bản chỉ đạo việc phòng chống dịch. Các giải pháp của Việt Nam được WHO, UNICEF đánh giá cao, nhờ đó hạn chế tối đa việc lây lan dịch trong bối cảnh nước ta có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc. Có 10 trường hợp dương tính với nCoV tại nước ta và có 3 người được chữa khỏi trong đó có công dân Trung Quốc, chưa có người nào tử vong.

Tuy nhiên, diễn biến dịch nCoV đến thời điểm này là rất phức tạp, được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đời sống của Nhân dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt KT-XH như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch… Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, lơ là; cũng không được hoang mang, dao động.. Quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như "chống giặc"; Công văn 79-CV/TW của Ban Bí thư yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để phòng, chống dịch. Các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành nhận diện đúng các khó khăn, thách thức, dự báo các tình huống có thể xảy ra; đề xuất và kiến nghị các giải pháp vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế với mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn diện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020.

Các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30/01/2020; các Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020, số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 và Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/01/2020; Công điện số 156 ngày 02/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 733/VPCP-KTTH ngày 03/2/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Trong công tác chống dịch có thể phát sinh những vấn đề liên quan đến đối ngoại, vì vậy cần phải thông tin kịp thời, xử lý phù hợp. Bộ Ngoại giao cần chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng của Trung Quốc về các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam để tạo sự đồng thuận, chia sẻ và phối hợp phòng, chống dịch. Tinh thần là bảo đảm tối đa cho công tác phòng chống dịch bệnh của nước ta đồng thời hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác với các đối tác.

Theo tính toán của Bộ KH&ĐT báo cáo trước Chính phủ, dự kiến nếu dịch Corona được khống chế kịp thời trong quí I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Trương hợp dịch Corona kéo dài sang quý II/2020 thì tăng trưởng quí II là 5,81% thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 0,89 điểm phần trăm, dẫn tới ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.

Thứ hai, về tình hình kinh tế xã hội, như chúng ta đã biết mới bước vào năm 2020, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được của năm 2019, đất nước chúng ta đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, nhìn chung, tình hình KT-XH tháng 1 năm 2020 tiếp tục ổn định, mặc dù có nhiều chỉ số giảm vì tháng 1/2020 trùng với Tết Nguyên đán Canh Tý (chỉ có 18 ngày làm việc trong tháng 1/2020). Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt và thực tế chúng ta đã có Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm. Một số kết quả nổi bật là:

(1) Nông nghiệp phát triển ổn định; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng (gia cầm tăng 15%, đàn bò tăng 2,4%; diện tích rừng bị cháy, bị chặt phá giảm 20,6%; thủy sản tăng 1,7%, riêng tôm tăng 6,1%);

(2) Vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tăng 76,8%, cao nhất trong 4 năm qua. Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 179,5%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây;

(3) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%; hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán;

(4) Hoạt động vận tải tăng cao so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết tăng mạnh (vận tải hành khách tăng 15,1%; hàng hóa tăng 10,7%);

(5) Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay;

(6) An sinh xã hội được đảm bảo với phương châm "không để người dân nào bị đói, không có Tết", xuất cấp 6.500 tấn gạo hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán; hỗ trợ gạo cho các hộ thiếu đói các tỉnh vùng núi phía bắc. Tai nạn giao thông giảm mạnh cả 3 tiêu chí.

(7) Chúng ta đã hoàn thành tốt việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng 1/2020, được bạn bè, đối tác quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu KT-XH giảm so với cùng kỳ, hoặc so với tháng trước như IIP tháng 1/2020 giảm 11,8% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm 17,9%; nhiều khoản thu nội địa đạt mức thấp do mới bước vào đầu năm và chưa đến kỳ hạn kê khai nộp thuế; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ, xuất hiện nhập siêu. Đặc biệt, CPI tăng 1,23% so với tháng 12/2019 và tăng 6,43% so với tháng 1/2019, mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.
 


Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cung cấp thông tin tại họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ xác định: Việc chống dịch nCoV là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay nhưng chúng ta tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra; phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển. Đông thời, sau khi kiểm soát, dập dịch thành công phải tập trung để khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ tiếp tục khẳng định nhất quán tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm; mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng. Chúng ta phải điều hành, vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV. Đồng thời, chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm; trong đó tập trung giảm giá thịt lợn về mức bình thường. Theo dõi chặt chẽ sự biến động của giá cả thị trường nhằm có những giải pháp phù hợp hạn chế sự tăng bất thường của giá cả; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá. Với tình hình phức tạp như hiện nay, yêu cầu giảm giá xăng dầu theo giá thị trường; không tăng giá điện và các dịch vụ công trong thời gian tới. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ.

Công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách cần được đặc biệt chú trọng và phải coi là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của năm 2020. Cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển KTXH thì cần phải sửa đổi, bổ sung ngay, không được chậm trễ.

Trong năm 2020, chúng ta cần triển khai mạnh mẽ chủ trương hội nhập quốc tế, trong đó nâng cao hiệu quả tham gia, chủ động, tích cực đóng góp vào xây dựng, định hình các tổ chức, diễn đàn đa phương, trọng tâm đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Một nhiệm vụ rất quan trọng của năm 2020, các bộ, ngành và địa phương cần chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tập trung tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025 của cả nước, cũng như của từng ngành, địa phương.

Nội dung hỏi đáp tại Họp báo


Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời các cơ quan báo chí.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

PV Vũ Quyên (Truyền hình VOV): Phương án cách ly tại chỗ có phải tốt nhất thời điểm chống dịch nCoV này không?  Theo cơ quan chức năng cho biết: Trên địa bàn xã phường, ví dụ ở Mỗ Lao-Hà Đông có 27 trường hợp người Trung Quốc trở lại Việt Nam trong đó có 9 trường hợp cách ly.  Nhưng thực tế, khi chúng tôi đến các khu vực đó phỏng vấn thì không thấy người dân được cách ly cụ thể thế nào. Vậy Chính phủ có phương án thế nào để các địa phương khối xã phường thực hiện nghiêm túc quyết liệt hơn việc cách ly phòng dịch?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Chiều nay, Bộ Y tế đã họp báo cung cấp thông tin cơ quan báo chí, trả lời gần 100 câu hỏi cụ thể.

Trong bối cảnh dịch hiện nay đang gia tăng nhanh từ Trung Quốc thì biện pháp cách ly là hiệu quả để ngăn chặn, phòng chống dịch. Việt Nam đã thiết lập hệ thống cách ly 3 vòng: Thứ nhất là các bệnh nhân nghi nhiễm bệnh cách ly tại các cơ sở y tế. Thứ hai là các công dân Việt Nam, người nước ngoài đi qua hoặc đi từ vùng Hồ Bắc về Việt Nam lập tức được cách ly ở các cơ sở tập trung do UBND tỉnh, thành phố chỉ định. Lực lượng quân đội đã chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung , nhưng số này không nhiều. Thứ ba là những người đi từ các vùng khác ở Trung Quốc về Việt Nam được cách ly tại gia đình.

Theo yêu cầu đưa ra, việc cách ly trực tiếp do người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm, còn ngành y tế nắm bắt tình hình, kiểm soát về chuyên môn hằng ngày.

Việc phòng chống dịch của Việt Nam chưa lần nào làm mạnh như lần này với nhiều biện pháp quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ. Ban Bí thư cũng đã có các yêu cầu cấp uỷ thực hiện tốt việc này . Năm 2003 khi có dịch SARS chúng ta đã thành công trong chống dịch nhờ thực hiện cách ly tương tự. Lần này chúng ta làm sớm hơn 2003, tôi cho rằng, nếu thực hiện cương quyết cách ly sẽ kiểm soát tốt hơn dịch nCoV trong thời gian tới.

PV Hiếu Công (Zing.vn): Hiện tại rất nhiều người dân thường khi đăng tin sai lệch thì cơ quan chức năng xử lý rất nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân hay Cát Phượng có thông tin giả nhưng lại bị xử lý rất chậm. Xin hỏi nguyên nhân tại sao?

Hôm nay, tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng có nói rằng tập trung chỉ đạo phát triển KT-XH và ứng phó với dịch. Hiện tại Thủ tướng nhấn mạnh về các biện pháp tái cơ cấu sản xuất tiêu dùng, tôi muốn hỏi rằng kịch bản phát triển KT-XH mới như thế nào?

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Về kịch bản tăng trưởng kinh tế, từ năm 2016 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ KH&ĐT, trong đó nòng cốt là Tổng cục Thống kê, phải xây dựng một kịch bản tăng trưởng kinh tế để phục vụ cho công tác điều hành, can thiệp chính sách…

Kịch bản tăng trưởng GDP là kịch bản dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế theo quý, 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm… Trong trường hợp các điều kiện tốt hơn thì tốc độ tăng trưởng cao hơn. Trong điều kiện có những tác động tiêu cực thì tốc độ tăng trưởng có thể sẽ thấp hơn. Tuỳ theo các cấp độ cập nhật sẽ tham mưu, kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp thích hợp theo từng điều kiện để cố gắng phấn đấu thực hiện được kịch bản đã đề ra.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã chuẩn bị và phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp thông tin, số liệu để xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dịch cúm viêm đường hô hấp cấp tới tăng trưởng kinh tế.

Trên cơ sở dữ liệu của tháng 1 để có những tính toán dự kiến mức độ tác động của dịch đối với tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu tổng hợp được, tính toán của Bộ KH&ĐT cho thấy mức độ ảnh hưởng là rất nghiêm trọng. Nếu dịch được kiểm soát trong quý I thì mức độ tăng trưởng cả năm chỉ còn 6,27%. Nếu dịch kéo dài và chúng ta kiểm soát trong quý II, nguy cơ chúng ta bị giảm tăng trưởng chỉ còn 6,09%. Tất nhiên đây chỉ là con số chúng tôi ước tính, dự báo, còn thực tế tuỳ thuộc vào dịch được kiểm soát ở thời điểm nào cũng như những chính sách, tác động, sự điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế. Đây cũng là phương án để theo dõi.

Bộ KH&ĐT sẽ thường xuyên cập nhật thông tin, rà soát thường xuyên phương án kịch bản để báo cáo kịp thời Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm: Đến ngày hôm nay, Bộ TT&TT và các đơn vị được giao phối hợp với Bộ Công an để cùng phát hiện, có trách nhiệm xử lý hành chính. Thông tin chúng tôi nắm được từ các Sở TT&TT và Công an các tỉnh cho thấy, đến nay việc xử lý các đối tượng tung tin sai lệch là rất quyết liệt. Cụ thể, tại TP. Hà Nội, Công an huyện Thạch Thất đã triệu tập một cá nhân để xử phạt. Tại TPHCM, đang tiến hành xử lý 17 trường hợp tung tin sai sự thật về viêm đường hô hấp cấp. Theo thông tin chúng tôi nắm được, TPHCM sẽ quyết tâm xử lý các trường hợp.

Thanh Hoá cũng xử lý 3 đối tượng, Đà Nẵng xử lý 2 đối tượng. Quảng Ninh xử lý một trường hợp với mức phạt 7,5 triệu đồng. Cần Thơ cũng xử lý một cá nhân. Thái Nguyên đang xử lý 2 đối tượng.

Những biện pháp của cơ quan chức năng không phải chỉ là tìm đối tượng tung thông tin giả xong xử lý, mà đối với các cá nhân tung thông tin giả ở nước ngoài và những trang tin tung thông tin giả phải gỡ những thông tin như vậy.

Tuy nhiên, các mạng xã hội như Facebook hiện nay đã đăng tải những thông tin chính thống, như thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam. Google cũng đã xác nhận sẽ đẩy những thông tin chính thống về dịch cúm tại Việt Nam.

Facebook cũng đã hỗ trợ gỡ tất cả những thông tin giả mạo về dịch cúm.

Qua đó, chúng tôi cũng thấy có một điều rằng, mạng xã hội cung cấp thông tin chính thống, như Chính phủ chúng ta đang làm qua Cổng TTĐT Chính phủ. Trong thời kỳ dịch bệnh này rất cần những thông tin chính thống, hạn chế tin giả bằng nhiều cách khác nhau.

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang: Thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng đã lợi dụng không gian mạng tung tin giả, thông tin sai sự thật về bệnh dịch. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương vào cuộc đấu tranh, xử lý theo quy định. Hiện nay, chúng tôi đã triệu tập hơn 170 đối tượng, xử lý, yêu cầu cam kết gỡ bỏ, căn cứ theo Khoản 3, Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và quy định trong việc loan tin đồn sai qua mạng. Chúng tôi cũng đang tiếp tục làm rõ với hơn 40 trường hợp không hợp tác.

PV Ngọc An  (Tuổi trẻ TPHCM): Việc chủ động về mặt kinh tế để ứng phó với diễn biến dịch, làm giảm những tác động rủi ro của dịch bệnh cũng đã được Thủ tướng nhấn mạnh, đưa ra, trong đó có những giải pháp cụ thể. Hiện nay nhiều nước đã tung các gói hỗ trợ kinh phí cho những ngành, lĩnh vực chịu rủi ro từ dịch bệnh như Trung Quốc, Thái Lan. Chúng ta đã có biện pháp và chính sách rồi nhưng nếu dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp đến tận quý II thì liệu có tính đến gói hỗ trợ kinh tế, gói hỗ trợ khẩn cấp này hay không?

Thứ hai, hiện nay chúng ta đang tính phương án đưa công dân từ các vùng có dịch về thì sẽ triển khai như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Liên quan đến gói hỗ trợ, đây là một trong những chính sách để khắc phục tác động của dịch cúm đến tăng trưởng. Trong kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 2 gói giải pháp rõ ràng: Thứ nhất trong bối cảnh dịch đang diễn ra thì tập trung ưu tiên vào các giải pháp phòng, chống dịch, kiểm soát dịch vì đây là thời điểm chúng ta cần dành sức lực, nguồn lực kiểm soát dịch. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị gói giải pháp thứ 2 là giải pháp khắc phục thiệt hại cũng như phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Các gói hỗ trợ cũng là những phương án cần phải tính đến, tuy nhiên còn tùy thuộc vào một số yếu tố như nguồn lực chúng ta có bao nhiêu và chúng ta hỗ trợ đối tượng nào, đây là giải pháp cũng cần tính toán.

Trước mắt, chúng ta thấy rằng ngay bây giờ, có một số đối tượng đang chịu thiệt hại như người nông dân trồng thanh long, dưa hấu… Do vậy cũng giống như hỗ trợ đối với dịch tả lợn châu Phi, đối tượng hỗ trợ như thế nào, mức độ hỗ trợ bao nhiêu và phương thức hỗ trợ như thế nào đều cần có những tính toán cụ thể. Đây là những cái mà chúng tôi dự kiến trong gói giải pháp sau khi dịch bệnh đi qua và khẩn trương phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra còn một số giải pháp khác, trong đó có một số giải pháp như Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Năm nay có nhiều đổi mới về mặt thủ tục, quy định; do vậy khả năng giải ngân có tốt hay không phụ thuộc vào việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời các địa phương cũng cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục đưa các dự án chuẩn bị cấp phép, các dự án mới sớm đi vào hoạt động để thúc đẩy tăng trưởng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Vấn đề bảo hộ công dân là chủ trương chính sách rất lớn của Đảng, Chính phủ ta. Như chúng ta biết, hiện ở tại Vũ Hán có 24 công dân, trong đó có 21 học sinh và 3 người nhà. Có 19 công dân đang muốn trở về Việt Nam. Vì đây là chủ trương lớn nên Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất chặt chẽ, đó là có phương án đón công dân Việt Nam ở vùng dịch về nước.

Theo đó, giao các cơ quan chức năng tổ chức đón các công dân Việt Nam tại vùng dịch về nước với điều kiện chúng ta phải cách ly tập trung 14 ngày, cái này giao cho Bộ Quốc phòng, bảo đảm bố trí tất cả các điều kiện, cả về ăn uống, ngủ, nghỉ,… Chúng ta cũng sẽ bố trí sân bay tại Vân Đồn ở phía Bắc, 1 sân bay tại miền Trung, 1 sân bay tại miền Nam.

Như vậy giải pháp để cách ly đặc biệt, cách ly tập trung là giải pháp tốt nhất để tránh lây chéo, tránh lây lan. Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả các điều kiện. Ngay cả các công dân của Việt Nam sang bạn làm việc mà có nguyện vọng về thì giao cho 7 tỉnh biên giới chỉ đạo trực tiếp và phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các bộ. Cách ly tập trung là Bộ Quốc phòng chuẩn bị tất cả các điều kiện cơ sở vật chất nhưng theo dõi là Bộ Y tế,... Đây là chủ trương lớn và Thủ tướng chỉ đạo rất chi tiết, giao các bộ bảo đảm tốt.

Về gói kích cầu, chúng ta phải nhìn một cách tổng thể, đến thời điểm  này chúng ta chưa đặt vấn đề như vậy. Nếu như có vấn đề dịch bùng phát nghiêm trọng hơn thì lúc đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới bàn đến. Vì chúng ta phải bảo đảm các chỉ số, làm sao để không bị ảnh hưởng. Đây là vấn đề chúng ta phải cân nhắc. Các nước như thế nhưng chúng ta chưa đến mức cần đặt vấn đề như vậy.

PV Minh Đức (báo Người tiêu dùng): Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng về việc UBND quận Hà Đông (Hà Nội) cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng tại Công viên nước Thanh Hà, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, không đúng quy định. Xin hỏi Thủ tướng Chính phủ đã nhận được kiến nghị này chưa và việc chỉ đạo, giải quyết kiến nghị như thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Vấn đề này là thẩm quyền của UBND TP. Hà Nôi. Hiện, VPCP chưa nhận được kiến nghị này. Nếu có, VPCP sẽ yêu cầu UBND TP.Hà Nội báo cáo cụ thể. Sau khi nhận được báo cáo chính thức, sẽ cung cấp thông tin đến báo chí.

PV Báo đầu tư chứng khoán: Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch nCoV thì trong 3 phiên đầu năm, VNIndex giảm đến 60 điểm và hàng chục tỷ đô la giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đã bốc hơi. Xin Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết có chỉ đạo như thế nào đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc ổn định tâm lý thị trường cũng như những giải pháp để thúc đẩy thị trường phát triển ổn định và bền vững?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Chúng ta biết trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý ngày 30 và 31/1/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh, mất gần 45 điểm, tương đương 4,54 %. Đây là mức giảm điểm khá sâu do yếu tố ảnh hưởng sau kỳ nghỉ Tết dài thì giao dịch tương tự như các nước khác trong khu vực và cũng có thể phần nào có ảnh hưởng tâm lý do dịch bệnh trong những ngày đầu tiên. Mức giảm của TTCK Việt Nam tương đương với nhiều nước và thấp hơn một số nước sớm phát hiện những ca nhiễm bệnh. Tính chung trong hai tuần cuối tháng 1 khi dịch lan rộng, mức giảm điểm của các TTCK châu Á khá mạnh, như Hong Kong giảm 9,4 %, Hàn Quốc giảm 5,8 %, Thái Lan 5,4 %.

Bắt đầu từ tháng 2, TTCK Việt Nam đã thu hẹp đà giảm. Tính chung 2 phiên đầu tháng 2, chỉ số VNIndex chỉ giảm có 0,8%, đứng ở mức 929 điểm. Riêng ngày 4/2 là ngày hôm qua, sắc xanh đã quay trở lại khi thị trường quay đầu trong phiên giao dịch buổi chiều và tăng 0,95 điểm so với ngày hôm trước.

Ra Tết, có tình hình chứng khoán giảm điểm như vậy thì Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCK Nhà nước tích cực tuyên truyền để ổn định tâm lý nhà đầu tư. Lãnh đạo UBCK Nhà nước cũng đã phát biểu trên truyền  hinh và các cơ quan thông tấn báo chí, đồng thời UBCK đã yêu cầu yêu Sở Giao dịch Chứng khoán, các công ty chứng khoán báo cáo hằng ngày về giao dịch, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường, chống hiện tượng lợi dụng dịch bệnh để làm giá chứng khoán. Với các giải pháp nêu trên thì thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài ba ngày qua cũng đã phục hồi trở lại và có xu hướng tăng điểm.

Đối với những giải pháp trong ngắn hạn, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo, chủ động theo dõi diễn biến của thị trường quốc tế, diễn biến của TTCK trong nước hằng ngày, yêu cầu hai Sở Giao dịch Chứng khoán cũng như Trung tâm Thông tin chứng khoán tăng cường công tác giám sát, thực hiện báo cáo hằng  ngày và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi trục lợi và tung tin đồn. Yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện báo cáo hằng ngày, đặc biệt là tình hình giao dịch quỹ, ký quỹ, tuân thủ nghiêm các quy định về giao dịch.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền và cung cấp thông tin cho báo chí để dư luận nắm bắt, hiểu đúng tình hình và không bị tác động về tâm lý.

Về giải pháp trung và dài hạn thì Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế và ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào đầu năm 2021. Năm nay tập trung xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn để Luật Chứng khoán có hiệu lực, bao quát đầy đủ và khắc phục những nhược điểm đã tổng kết, đánh giá và đã được thông qua tại Luật Chứng khoán năm 2019.

Thứ hai là tập trung đẩy mạnh, cơ cấu lại TTCK để phát triển hiệu quả hơn, năng động hơn theo đề án xơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát các vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường, tạo dựng lòng tin cho công chúng đầu tư và giúp thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững.

PV Đỗ Thơ (báo Giáo dục Việt Nam): Với tình hình dịch diễn biến phức tạp tới đây, Bộ GD&ĐT có phương án cho học sinh nghỉ học không? Đối với học sinh lớp 12, lịch thi tốt nghiệp của các em sẽ bị ảnh hưởng, Bộ GD&ĐT có phương án thế nào?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Quan điểm của Bộ GD&ĐT rất rõ ràng, đầu tiên là đặt mục tiêu sức khoẻ của người học lên trên hết. Theo tinh thần của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, quan điểm của Bộ là xuất phát từ tình hình dịch và đề xuất của các Sở GD&ĐT, Sở Y tế để quyết định cho học sinh nghỉ học nhằm bảo đảm sức khoẻ.

Về việc này, 63/63 tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học. Quan trọng nhất là nhận thức của giáo viên trong toàn ngành về phòng dịch.

Bên cạnh đó, trong thời gian này, các cơ sở giáo dục sẽ có điều kiện vệ sinh sạch sẽ trường, lớp, tăng cường các thiết bị y tế, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.

Các cơ sở giáo dục cũng sẽ có điều kiện xây dựng các phương án phòng chống dịch trực tiếp tại trường như phải rửa tay trước khi vào lớp, học sinh đeo khẩu trang trước khi đến trường…

Về kế hoạch nghỉ học, trong kế hoạch năm học Bộ GD&ĐT cũng đã dự kiến có 1 tuần lễ trong 1 học kỳ có thể cho học sinh nghỉ học trong trường hợp cần thiết. Học sinh có thể học bù vào buổi sáng nếu học sinh học buổi chiều hoặc học vào thứ bảy, chủ nhật.

Trong trường hợp phải nghỉ học kéo dài, Bộ có thể điều chỉnh khung thời gian năm học, cụ thể là thời gian quy định kết thúc năm học là 31/5 thì có thể kết thúc năm học muộn hơn và có thể điều chỉnh thời gian tổ chức thi THPT Quốc gia, thường là cuối tháng 6. Tinh thần học sinh nghỉ học nhưng vẫn đảm bảo chương trình giáo dục đào tạo, đảm bảo chất lượng và đặc biệt là đảm bảo an toàn sức khoẻ cho học sinh.

PV Hoài Thu (Vnexpress): Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết: Chính phủ đã miễn thuế nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế, các vật phẩm phòng bệnh, đề nghị Bộ Tài chính cho biết sẽ cụ thể miễn hàng nào, triển khai như thế nào?

Vừa rồi Công an TPHCM đã phối hợp với Bộ Công an vây bắt Tuấn “Khỉ” bằng một  lực lượng lớn nhưng không thành công. Xin Bộ Công an cho biết gặp những khó khăn gì, nguyên nhân vì sao để lọt đối tượng này như vậy?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, “chống dịch như chống giặc”, với khẩu trang y tế, nguyên liệu sản xuất khẩu trang, nước khử trùng tương đối thiếu và khan hiếm. Bộ Tài chính dự kiến và đã có văn bản báo cáo Thủ tướng trong Công văn số 92 ngày 4/2/2020, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp các bộ trình phương án miễn thuế khẩu trang y tế nhập khẩu phòng chống dịch.

Chúng tôi trao đổi với bộ chuyên ngành có mã cụ thể khi thông quan tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; thứ hai là miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang, các mã sẽ cụ thể hoá trong quyết định miễn thuế; thứ ba, miễn thuế nhập khẩu các loại nước khử trùng trong chống dịch, chúng tôi cũng đang cụ thể các mã trong quyết định.

Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp các đơn vị như Bộ Công Thương cụ thể hoá các mã hàng. Trong sáng mai chúng tôi cũng xin ý kiến Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, sau đó khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ có quyết định sớm.  

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang: Tôi không rõ thông tin ở đâu về việc huy động lực lượng lớn. Về vụ việc có nguyên nhân do mâu thuẫn đánh bạc, cơ quan cảnh sát điều tra  khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Lê Quốc Tuấn và Phạm Thanh Tâm (hiện Tâm đã đầu thú).

Hiện Công an đang dùng các biện pháp cần thiết truy bắt đối tượng Lê Quốc Tuấn. Cơ quan Công an khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện quy trình điều tra, áp dụng các biện pháp cần thiết truy bắt bằng được đối tượng này. Nhân tiện  qua phóng viên, chúng tôi kêu gọi đối tượng Lê Quốc Tuấn đầu thú hưởng khoan hồng của pháp luật.

PV Vũ Thuỷ (Báo Đại biểu Nhân dân): Tính đến ngày hôm nay (5/2) cửa khẩu ở Lạng Sơn vẫn còn 365 xe hàng đang chờ thông quan. Xin hỏi Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương có chủ trương thế và có cơ chế nào để giải quyết tình hình này, hỗ trợ các doanh nghiệp?

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Năm 2019 xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đạt 11,13 tỷ USD, chiếm 26,4%. Đối với tình hình 365 xe hàng tồn đọng ở cửa khẩu Lạng Sơn, Bộ NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương. Cụ thể, ngay chiều 3/2, chúng tôi đã họp khẩn để đưa ra giải pháp giải quyết tình trạng này. Hiện nay, 365 xe hàng đã được xử lý thông quan đúng quy định.

Trước mắt, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với Bộ Công Thương không tiếp tục chuyển hàng nông sản lên biên giới nữa mà tập trung tiêu thụ tại nội địa, chế biến sâu sản phẩm. Chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp và địa phương hướng đến giải pháp chế biến sâu hàng nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Về lâu dài, Bộ NN&PTNT đã lên kế hoạch cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương phù hợp với thị trường. Hiện tại, mới chỉ có 9 loại nông sản đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đã và đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành xử lý kịp thời những vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Dịch viêm đường hô hấp này có tác động toàn diện trên tất cả các mặt, đặc biệt là thương mại, tác động trực tiếp vào xuất nhập khẩu của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, dịch cúm do virus nCoV gây ra ảnh hưởng đến cả các thị trường ở nước thứ ba, không riêng gì tại thị trường Trung Quốc. Ví dụ, khi hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang nước thứ ba nhưng nguyên liệu nhập lại nhập ở Trung Quốc. Có thể thấy, dịch bệnh này ảnh hưởng đến tất cả các mặt từ xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới và kể cả thương mại nội địa.

Về phía Bộ Công Thương đã có Chỉ thị từ ngày 31/1 về tăng cường các giải pháp để đối phó với dịch bệnh, giao nhiệm vụ cụ thể từ xuất khẩu, nhập khẩu, thị trường nội địa… Riêng với việc tiêu thụ nông sản, như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã đề cập ở trên, hiện nay ta còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên khi thị trường này có biến động sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của ta.

Ngay ngày hôm nay, Chính phủ đã có Công văn 808 chỉ đạo cho phép xuất nhập khẩu vận chuyển hàng hoá qua biên giới đúng quy định bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh mà không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể thấy rằng, Chính phủ rất cương quyết trong việc đối phó với dịch, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, về lâu dài, những mặt hàng nông sản cần có giải pháp căn cơ là phải tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo tín hiệu thị trường và liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối nội địa. Ta sẽ phải làm việc này tốt hơn để không phụ thuộc vào một thị trường.

Chúng tôi cũng đã làm việc với các siêu thị, hệ thống phân phối hỗ trợ đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Hiện nay chúng tôi đã yêu cầu địa phương, doanh nghiệp có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các sản phẩm thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân. Với các mặt hàng khác, không riêng gì nông sản, Bộ Công Thương tiếp tục yêu cầu các thương vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong đó có Bộ NN&PTNT, các hiệp hội ngành hàng để mở rộng thêm hệ thống tiêu thụ hàng hoá ở các thị trường khác, không riêng gì Trung Quốc.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)