Sản xuất xi-măng luôn gắn liền với tiêu thụ năng lượng than và điện. Trong quá trình sản xuất vận hành lò nung sẽ sản sinh một lượng khí thải và bụi khá lớn ở nhiệt độ cao (khoảng 300oC), chủ yếu tại tầng tháp sấy sơ bộ PH và ghi làm nguội clanh-ke. Quá trình này vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí năng lượng, từ đó giảm hiệu quả sản xuất. Để tận dụng lượng khí thải và tái tạo thành nguồn năng lượng cung cấp cho sản xuất, các nhà máy xi-măng cần đầu tư Hệ thống. Theo tính toán, để sản xuất ra một tấn xi-măng phải tiêu hao khoảng 100 kW giờ điện. Với sản lượng sản xuất xi-măng như hiện nay và nếu tất cả các nhà máy xi-măng lò quay của Việt Nam được trang bị hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải sẽ giảm được từ 20 đến 30% sản lượng điện tiêu thụ từ lưới điện, đồng thời giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, hệ thống phát điện này còn giúp giảm nhiệt độ đầu vào và đầu ra của máy nghiền nguyên liệu và lọc bụi tĩnh điện, giúp cho máy nghiền nguyên liệu hoạt động ổn định, từ đó gián tiếp nâng năng suất máy nghiền thêm khoảng từ 10 đến 15 tấn/giờ, hiệu suất lọc bụi cũng được cải thiện.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Trong đó, ngành xi-măng phấn đấu đến năm 2030, giảm tiêu hao năng lượng xuống còn 10,89%. Do đó, ngoài việc tiếp tục cải tạo các nút thắt về dây chuyền công nghệ, tiết kiệm năng lượng, cần đẩy nhanh đầu tư xây dựng Hệ thống. Kể từ khi Tổng công ty công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) triển khai và chính thức đưa vào hoạt động dự án “Tận dụng nhiệt khí thải lò quay để phát điện” tại nhà máy xi-măng Hà Tiên 2 do tổ chức NEDO của Nhật Bản tài trợ, hãng Kawasaki thiết kế và cung cấp thiết bị với công suất phát điện 2.950 kW, đến nay, theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, mới chỉ có tám nhà máy với 13 dây chuyền đầu tư Hệ thống. Trong khi đó, trên cả nước có tổng cộng ít nhất 82 dây chuyền xi-măng.
Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc triển khai Hệ thống là suất đầu tư còn khá cao, dao động từ 1,5 đến 2 triệu USD/MW điện. Mặt khác, theo Chiến lược phát triển công nghiệp xi-măng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, các nhà máy đầu tư mới bắt buộc phải xây dựng Hệ thống, trong khi những dây chuyền cũ vẫn trên tinh thần “tự nguyện” xây dựng, do đó quyết tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp xi-măng chưa cao. Đồng thời, việc chọn lựa công nghệ để đầu tư cũng khá đa dạng và một số đơn vị cung cấp nước ngoài dường như đang có động thái ép giá đối với các đơn vị đang dự định đầu tư Hệ thống...
Nhiều doanh nghiệp xi-măng cho rằng, nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý theo hướng coi đây là những dự án nằm trong chương trình tiết kiệm quốc gia, giảm tác hại môi trường, chắc chắn các doanh nghiệp xi-măng sẽ mạnh dạn, tích cực tham gia. Theo Tổng Giám đốc Vicem Bùi Hồng Minh, chương trình tiết kiệm năng lượng và tận dụng nhiệt khí thải lò nung để phát điện đang được Vicem xem xét một cách tổng thể để triển khai trên toàn tổng công ty, ưu tiên những đơn vị có nguồn nhiệt lớn và có tiềm lực tài chính được lựa chọn triển khai trước. Sau đó nghiên cứu đánh giá dự án trên cơ sở thực tế nhằm đưa ra lộ trình phù hợp, bảo đảm tính hiệu quả. Mặc dù áp lực sản xuất, cũng như nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, nhưng Vicem quyết tâm triển khai sớm. Các đơn vị thành viên của Vicem nếu triển khai đầu tư Hệ thống, phải huy động vốn tự có từ 30% trở lên. Với lãi suất thương mại như hiện nay, giới hạn vay từ 70% trở xuống là an toàn và hiệu quả, giúp các nhà máy có khả năng hoàn vốn nhanh, góp phần tích cực vào việc sản xuất, kinh doanh ổn định.
Thách thức hiện nay của ngành xi-măng là phải tìm ra giải pháp quản lý phù hợp áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh. Theo Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Lê Văn Tới, các nước có ngành công nghiệp xi-măng phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái-lan đã ứng dụng công nghệ này từ lâu và trở thành quy định bắt buộc đối với các nhà máy xi-măng. Để công nghệ này nhanh chóng phổ biến ở Việt Nam, cần siết chặt việc đầu tư Hệ thống trong các dự án đầu tư xi-măng mới, nhưng cũng cần có những ưu đãi, góp phần thúc đẩy các dây chuyền cũ đầu tư hệ thống này, căn cứ vào công suất nhà máy để đầu tư phù hợp, tránh lãng phí. Về tổng thể, xây dựng những nhà máy xi-măng công suất lớn, khoảng 5 triệu tấn/năm sẽ giúp tối ưu hiệu quả sản xuất kinh doanh, trong đó bao gồm cả việc đầu tư Hệ thống.
Theo Nhân dân điện tử