Tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 26/CT-TTg chỉ thị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính ở bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi quản lý; thi hành, chỉ đạo thi hành nghiêm túc và dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; khắc phục ngay tình trạng tồn đọng các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thi hành.
Thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững Vùng miền Trung
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Vùng miền Trung phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 27/CT-TTg yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện 3 giải pháp trọng tâm để giúp Vùng miền Trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển, tập trung vào các ngành có lợi thế của vùng như cảng biển, sân bay, khu kinh tế, khu du lịch, đô thị ven biển, cảng cá, nuôi trồng thủy sản, các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch gắn với biển, du lịch lịch sử, văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản thiên nhiên,…Tăng cường bảo vệ, phát triển trồng rừng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, nhất là nước biển dâng và xâm nhập mặn. Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển, tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương...
Quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Về lĩnh vực tài chính ngân hàng, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2019/NĐ-CP quy định rõ mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể, mức vốn pháp định đối với các loại hình ngân hàng, tổ chức tín dụng như sau: 1- Ngân hàng thương mại: 3.000 tỷ đồng; 2- Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng; 3- Ngân hàng hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng; 4- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu đô la Mỹ (USD); 5- Công ty tài chính: 500 tỷ đồng; 6- Công ty cho thuê tài chính: 150 tỷ đồng; 7- Tổ chức tài chính vi mô: 05 tỷ đồng; 8- Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn: 0,5 tỷ đồng; 9- Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường: 01 tỷ đồng.
Sửa quy định về phòng, chống rửa tiền
Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền.
Không niêm yết công khai giá vàng miếng tại điểm giao dịch sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng
Những nội dung trên được quy định cụ thể tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2020
Chính phủ ban hành Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, từ ngày 1/1/2020, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 150.000 đồng đến 240.000 đồng so với mức áp dụng năm 2019.
Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng I tăng từ 4.180.000 đồng/tháng lên 4.420.000 đồng/tháng; Vùng II tăng từ 3.710.000 đồng/tháng lên 3.920.000 đồng/tháng; Vùng III tăng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.430.000 đồng/tháng; vùng IV tăng từ 2.920.000 đồng/tháng lên 3.070.000 đồng/tháng.
Tăng mức cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên
Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1656/QĐ-TTg điều điều chỉnh mức cho vay quy định tại Khoản 1 Điều 5 Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV. Theo đó, từ ngày 1/12/2019, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên (HSSV) là 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV. Như vậy, so với mức cũ đã áp dụng từ 15/6/2017 thì mức cho vay tối đa đối với HSSV tăng thêm 1 triệu đồng/tháng/HSSV.
Lấn, chiếm đất sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng
Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vừa được Chính phủ ban hành, lấn, chiếm đất sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.
TTHC đối với hàng hóa XK, NK, quá cảnh thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia
Về lĩnh vực xuất, nhập khẩu, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2019/NĐ-CP quy định rõ việc thực hiện thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Về thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, Nghị định quy định việc khai, sửa đổi, bổ sung thông tin khai có thể được thực hiện theo một trong hai hình thức tạo lập thông tin khai điện tử sau: 1- Tạo lập thông tin khai theo các tiêu chí, định dạng do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng theo chuẩn dữ liệu do Đơn vị quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia hướng dẫn; gửi đến Cổng thông tin một cửa quốc gia; 2- Khai trực tiếp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Cổng thông tin một cửa quốc gia thực hiện tiếp nhận thông tin khai điện tử theo thời gian 24 giờ trong một ngày và 7 ngày trong một tuần; phản hồi thông tin khai điện tử đến người khai và chuyển thông tin khai điện tử đến các hệ thống xử lý chuyên ngành theo chế độ tự động.
Quy định tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 89/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Trong đó, Nghị định 89/2019/NĐ-CP bổ sung quy định tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam. Cụ thể, đối với tàu bay thực hiện vận chuyển hành khách: Không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê. Riêng đối với tàu bay trực thăng không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.
Đối với tàu bay vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, kinh doanh hàng không chung: Không quá 15 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê;
Các loại tàu bay khác ngoài quy định nêu trên: Không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 30 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.
Quy định chi tiết 4 điều kiện sản xuất phân bón
Chính phủ ban hành Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón.
Nghị định quy định chi tiết điều kiện sản xuất phân bón như sau: 1- Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài; có nhà xưởng kết cấu vững chắc; tường, trần, vách ngăn, cửa bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng; 2- Dây chuyền, máy móc, thiết bị sản xuất phân bón phải phù hợp với quy trình sản xuất từng loại phân bón, dạng phân bón quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; 3- Có phòng thử nghiệm được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 17025 hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trừ các cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón; 4- Có hệ thống quản lý chất lượng được công nhận phù hợp với ISO 9001 hoặc tương đương, đối với cơ sở mới thành lập, muộn nhất sau 01 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.
Theo Chinhphu.vn