Đô thị xanh: Cần những bước đột phá

Thứ hai, 03/04/2017 13:12
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ở nước ta, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh, mở rộng cả về không gian và quy mô dân số, tuy nhiên, diện tích cây xanh phát triển không tỷ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa. Theo tiêu chuẩn đô thị xanh, một người phải có 10m2 cây xanh để hấp thu lượng khí do họ thải ra, tuy nhiên, hiện nay diện tích đất trồng cây xanh ở Hà Nội đạt rất thấp, chỉ khoảng 2m2/người.

Một thiết kế của KTS Võ Trọng Nghĩa với ý tưởng tạo không gian xanh bao bọc cuộc sống. Ảnh: Nguyễn Dũng

Hy sinh cây xanh là cái giá quá đắt của đô thị hóa

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, cây xanh có khả năng hấp thụ 50% bụi phóng xạ; hấp thụ hơi, bụi độc được thải ra từ hoạt động sản xuất công nghệ và dân sinh. Chính vì vậy, cây xanh mang rất nhiều ý nghĩa trong việc điều hòa không khí đô thị.

Ở nước ta, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh, mở rộng cả về không gian và quy mô dân số, tuy nhiên, diện tích cây xanh phát triển không tỷ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa. Theo tiêu chuẩn đô thị xanh, một người phải có 10m2 cây xanh để hấp thu lượng khí do họ thải ra, tuy nhiên, hiện nay diện tích đất trồng cây xanh ở Hà Nội đạt rất thấp, chỉ khoảng 2m2/người (theo thông tin từ Báo cáo Môi trường Quốc gia 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

KTS Lê Văn Lân, người thiết kế công trình văn hóa Cung thiếu nhi Hà Nội, cho rằng, Đồ án quy hoạch chung Thủ đô đã định rõ những vành đai xanh, những nêm xanh, với đặc tính là những khu vực có mật độ xây dựng thấp, không xây nhà cao tầng, đô thị tổ chức theo hướng sinh thái, hoặc là làng xã nông nghiệp đang có… Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa quá nhanh thì ở ngay cả những nơi mà nhiều năm trước được coi là lá phổi của đô thị thì giờ đây bờ tre đã hết, ao đầm chẳng còn, nhà cao dần lên, đất trống khan hiếm và Hà Nội ngày càng ít “xanh” hơn.

Chủ trương của Hà Nội là tăng mật độ che phủ cây xanh, là ưu tiên những khu đất khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi Thành phố để làm vườn hoa, công viên… Nhưng trong khi những chủ trương đó chưa được thực hiện thì nhiều cây xanh vốn có từ hàng chục năm nay đang bị mất dần. Tất nhiên, quá trình đô thị hóa đôi khi cần có sự hy sinh. Nhưng hy sinh cây xanh, tức là hy sinh môi trường sống, thì đó là một sự hy sinh có cái giá quá đắt.

Theo tiến sĩ Tristan Laurent Morel, nhà quy hoạch người Pháp, đồng thời là chuyên gia tư vấn và là đại diện của Viện Quy hoạch và Phát triển đô thị Vùng Ile – de – France (IAU – IdF) tham gia dự án Điều chỉnh quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội, vẫn còn đủ thời gian để xem xét lại tầm nhìn của các chuyên gia tư vấn thiết kế hướng tuyến của tuyến đường sắt đô thị số 1, đặc biệt là cần tập trung vào những ảnh hưởng của dự án này tới cảnh quan đô thị hiện tại cũng như tới môi trường kinh tế – xã hội.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa dự án giao thông và các vấn đề về bảo tồn di sản cũng như mối liên hệ giữa cải tạo đô thị và giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội. Và để giải quyết được thỏa đáng những mối liên hệ này, cần có một nghiên cứu mang tính cập nhật đầy đủ hơn.

Lối mở từ ý kiến của KTS

Mới đây, kiến trúc sư (KTS) Võ Trọng Nghĩa được Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội trao Giải thưởng Hoàng thân Klaus vì ý tưởng tái kết nối con người với thiên nhiên. KTS Võ Trọng Nghĩa chia sẻ, lần đầu tiên khi đến Hà Nội vào năm 1994 để học Đại học, anh cảm thấy, Hà Nội là TP vô cùng đẹp. Nhưng hiện tại, cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều trở thành những siêu đô thị, bị bê tông hóa và hình ảnh tắc đường là hình ảnh quen thuộc của cả 2 TP.

Theo KTS Võ Trọng Nghĩa, các thành phố lớn đang ngày càng ngột ngạt. Hà Nội ngày càng nhiều cao ốc, các mảng xanh thì bị thu hẹp đến tối đa. Tổng diện tích cây xanh tính trên đầu người ở Hà Nội chỉ khoảng 11m2, mức thấp kỷ lục so với các đô thị lớn ở châu Á (bình quân của thế giới là 39m2/người).

Điều đặc biệt trong các thiết kế của KTS Võ Trọng Nghĩa là việc chú trọng vào các mảng xanh. Các thiết kế của anh trải rộng từ các công trình đô thị tới những ngôi nhà giá rẻ nhưng bền vững cho các cộng đồng vùng sâu vùng xa. “Kiến trúc nông nghiệp đô thị sẽ tạo cho thành phố một diện tích xanh lớn, giảm đi tác động của ô nhiễm môi trường cho thành phố và khiến con người làm việc tốt hơn, tinh thần cũng được cải thiện. Rau xanh được trồng xung quanh tòa nhà, vừa tạo không gian xanh cho tòa nhà mà mọi người có thể có rau sạch cho 3 bữa ăn hàng ngày”, KTS Võ Trọng Nghĩa nói.

“Đã đến lúc phải luật hóa thì mới mong kiến trúc xanh có thể phát triển trong tương lai. Cụ thể, nếu cứ lấy đi 100m2 đất để làm nhà thì phải có trách nhiệm trồng lại 100 m2 cây xanh quanh nhà. Cần phải có quy định “xây nhà thì phải làm mái xanh”, nếu không thì thực hiện xanh hóa mặt tiền nhà”, KTS Võ Trọng Nghĩa nêu vấn đề.

Với cách làm như vậy có thể giá thành sẽ đội lên nhưng theo KTS Võ Trọng Nghĩa có nhiều cách để làm với giá thành hợp lý, thi công dễ dàng. Nếu ta sử dụng tài nguyên cho không như gió, ánh sáng, mưa… sẽ tiết kiệm chi phí, tăng diện tích cây xanh cho các đô thị. Mặc dù kinh tế đang chững nhưng nhu cầu về nhà xanh không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đều rất lớn vì chi phí rẻ và kéo con người ra khỏi những bức bách tinh thần.

Có thể vật liệu khi xây dựng không phải là vật liệu xanh nhưng tổng lượng tiêu thụ năng lượng thấp thì nó đáp ứng được yêu cầu của một công trình xanh. Ngay cả nhà bằng kính và thép vẫn có thể là công trình xanh. Chẳng hạn như sử dụng kỹ thuật hai lớp kính sẽ tạo hiệu ứng năng lượng và tạo sự thông thoáng ngay cả khi không sử dụng máy điều hòa. Giá thành để chống thấm và những chi phí làm mái xanh khoảng 600.000 – 700.000 đồng/m2.

“Những ngôi nhà mái xanh với rất nhiều lợi ích như giúp cách nhiệt, giúp ngôi nhà của bạn luôn trong trạng thái mát mẻ. Giúp cải tạo cơ bản về cảnh quan, khung cảnh các đô thị lớn tại Việt Nam sẽ được phủ lên màu xanh tràn đầy sức sống. Một điều quan trọng là nó sẽ giúp thanh lọc khói bụi, không khí trong lành, con người sẽ lạc quan và có nhiều nơi để thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Nếu bắt tay thực hiện quy định mái xanh từ bây giờ, tôi nghĩ chỉ khoảng 3 năm nữa bộ mặt đô thị Hà Nội và TP.HCM nhìn từ trên cao hay trực diện sẽ rất xanh, rất đẹp”, KTS Võ Trọng Nghĩa cho biết.


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)