Công tác phòng không nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là một nội dung trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân - hình thức hoạt động phòng không do toàn dân tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành thống nhất của Chính phủ, thông qua sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Ban Chỉ đạo công tác phòng không nhân dân các cấp từ Trung ương đến địa phương. Nhiệm vụ chủ yếu của công tác phòng không nhân dân là tuyên truyền giáo dục cho nhân dân và các lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ nâng cao kiến thức phòng không, ý thức cảnh giác cách mạng, chuẩn bị tốt mọi mặt đề phòng, đánh địch xâm nhập, tiến công đường không; xây dựng các loại công trình sơ tán, phòng tránh, đánh trả; động viên, tổ chức lực lượng dân quân tự vệ và nhân dân ở địa phương đánh địch xâm nhập, tiến công đường không, vây bắt giặc lái.
Xuất phát từ vị trí Hà Nam là một tỉnh trọng điểm về phòng không và trên cơ sở nhận thức, quán triệt sâu đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam thường xuyên coi trọng đẩy mạnh thực hiện công tác phòng không nhân dân ở địa phương đạt kết quả quan trọng. Cũng vì thế, năm 2016, Tỉnh được Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ định tổ chức diễn tập phòng không nhân dân. Cuộc diễn tập thành công về nhiều mặt, được trên đánh giá cao.
Từ thực tiễn và kết quả bước đầu đạt được, có thể khái quát nét nổi bật trong triển khai thực hiện công tác phòng không nhân dân của Tỉnh là lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ ở các cấp bằng các nghị quyết và được cụ thể hóa thông qua quy hoạch, kế hoạch xây dựng, phát triển của từng ngành: kinh tế, quốc phòng, an ninh, v.v. Nội dung công tác phòng không nhân dân được xác định rõ trong các nghị quyết lãnh đạo phù hợp với điều kiện, thực tế xây dựng, phát triển của địa phương; cơ chế tổ chức, hoạt động công tác phòng không nhân dân được vận hành hiệu quả, nhờ đó đã huy động được mọi nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và nhân dân trong Tỉnh. Cùng với đó, đưa ra những dự báo về âm mưu, thủ đoạn và khả năng xâm nhập, tiến công đường không của địch vào địa bàn. Thực hiện lãnh đạo công tác phòng không nhân dân, cấp ủy các cấp đã chủ động lựa chọn cán bộ, đảng viên có đủ năng lực, phẩm chất tham gia ban chỉ đạo từ Tỉnh đến xã (phường), phân công trách nhiệm cho từng thành viên. Sau nhiệm kỳ và từng năm, ban chỉ đạo các cấp được kiện toàn, bảo đảm đúng và đủ thành phần, cơ cấu, năng lực, trình độ tham mưu cho cấp ủy, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cùng cấp về công tác phòng không nhân dân. Hằng năm, căn cứ vào tình hình, Tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng không nhân dân ở cả 3 cấp phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và thực tế của địa phương. Chính quyền các cấp tổ chức, điều hành tập trung, thống nhất công tác phòng không nhân dân thông qua ban chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp. Căn cứ vào tình hình thực tế, Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị lập quy hoạch, kế hoạch phòng không nhân dân, tổ chức thực hiện và điều hành các hoạt động phòng không nhân dân thời bình để sẵn sàng chiến đấu trong thời chiến. Quá trình thực hiện, Tỉnh chỉ đạo phải chấp hành nghiêm quy định, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân Trung ương, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Quân chủng Phòng không - Không quân. Chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương các cấp phối hợp với các sở, ban, ngành cấp mình xây dựng đề án triển khai tổ chức lực lượng dân quân tự vệ nói chung, dân quân tự vệ phòng không nói riêng trên các hướng, khu vực trọng điểm; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức phòng không cho cán bộ chủ chốt ở các sở, ban, ngành và địa phương.
Để thực hiện tốt công tác phòng không nhân dân, Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và cơ quan quân sự tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng không nhân dân. Trong tuyên truyền, giáo dục, đã bám sát nội dung cơ bản của Nghị định 65/2002/NĐ-CP, ngày, 01-7-2002 và Nghị định 74/2015/NĐ-CP, ngày 09-9-2015 của Chính phủ về công tác phòng không nhân dân; truyền thống đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa (1964 - 1972); trong đó, có sự tham gia của lực lượng vũ trang Tỉnh góp phần vào chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, v.v. Theo đó, các ngành, các cấp, nhất là Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò công tác phòng không nhân dân; âm mưu, thủ đoạn xâm nhập, tiến công đường không của địch; xây dựng ý chí quyết tâm không sợ khó khăn, gian khổ cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang. Gần đây, Tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng phim tư liệu về công tác phòng không nhân dân của Tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm1 để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong toàn dân. Có thể khẳng định rằng, năm 2016, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng không nhân dân của Tỉnh có bước phát triển mới, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này. Qua đó, hình thành ý thức chính trị, xây dựng quyết tâm thực hiện tốt công tác phòng không nhân dân ngay trong thời bình, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận đất đối không, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, trong đó có công tác phòng không nhân dân.
Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo công tác phòng không nhân dân Tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác phòng không nhân dân, xây dựng kế hoạch phòng không nhân dân; xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình giáo dục, tài liệu, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, trong đó có kiến thức phòng không nhân dân, huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn cho lực lượng phòng không nhân dân và chủ động xử lý khi có tình huống trên không xảy ra. Cơ quan quân sự huyện (thành phố), xã (phường) trực tiếp tổ chức, xây dựng lực lượng đánh trả địch xâm nhập, tiến công đường không, lực lượng làm nhiệm vụ trinh sát, thông báo, báo động phòng không nhân dân trên cơ sở các đơn vị phòng không của bộ đội địa phương, lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt và lực lượng dân quân tự vệ rộng rãi ở các địa phương. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về xây dựng và huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ phòng không; thế trận phòng không nhân dân rộng khắp trên địa bàn, lập kế hoạch phòng tránh, sơ tán nhân dân ở các khu vực trọng điểm phòng không, v.v.
Thời gian vừa qua, Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng không nhân dân, như: Chỉ thị phòng không nhân dân của Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân Tỉnh, hướng dẫn thực hiện công tác phòng không nhân dân của cơ quan quân sự tỉnh và các sở, ban, ngành. Đây là cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân triển khai thực hiện công tác phòng không nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thế trận khu vực phòng thủ nói chung, thế trận phòng không nhân dân nói riêng. Chủ trương của Tỉnh ủy là phát triển kinh tế, chính trị, xã hội phải gắn kết với quốc phòng, an ninh. Do vậy, khi xây dựng các cụm (khu) công nghiệp trên địa bàn, Tỉnh đều chỉ đạo bố trí cơ sở sản xuất 100% vốn nhà nước xen kẽ với các cơ sở sản xuất có yếu tố nước ngoài nhằm hạn chế việc tiến công đường không của địch khi có chiến tranh; bảo đảm đường cơ động, không gian quan sát, bắn của các loại vũ khí phòng không có trong biên chế của lực lượng vũ trang Tỉnh. Trong quá trình xây dựng phát triển các khu đô thị, cơ quan, ban, ngành - khu hành chính, Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự phối hợp với các cơ quan chức năng xác định các vị trí quan sát phòng không, hầm trú ẩn phòng không cho từng bộ phận, cán bộ, nhân viên, v.v. Cùng với đó, chỉ đạo đẩy mạnh kết hợp giữa chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi, xây dựng đê kè và cơ sở hạ tầng: y tế, giáo dục - đào tạo, điện lực, bưu chính viễn thông,… với xây dựng lực lượng và thế trận phòng không nhân dân, đáp ứng yêu cầu phòng tránh, đánh trả, khắc phục hậu quả tiến công đường không của địch.
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh, cơ quan quân sự các cấp xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tiến hành rà soát, kiện toàn tổ chức biên chế, nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ phòng không; xây dựng lực lượng dự bị động viên phòng không đạt tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự. Bố trí, sắp xếp đủ thành phần cho các phân đội, khẩu đội súng (pháo) phòng không và thành lập các vọng quan sát mắt, lực lượng thông báo, báo động, tổ bắn máy bay bay thấp bằng súng bộ binh, v.v. Chỉ đạo Ban Chỉ đạo công tác phòng không nhân dân cùng với cơ quan quân sự tiếp tục tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ phòng không theo Hướng dẫn 18/HD-BTM, ngày 04-01-2011 của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng về công tác phòng không nhân dân. Tập trung củng cố nâng cao chất lượng toàn diện của các đơn vị dân quân tự vệ phòng không, ưu tiên tuyển chọn dân quân tự vệ có trình độ văn hóa, đủ điều kiện sức khoẻ, tiêu chuẩn chính trị để đưa vào lực lượng phòng không, tăng cường đảng viên vào các vị trí nòng cốt. Trong bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, Tỉnh chỉ đạo phải chú trọng kiến thức phòng không; đẩy mạnh huấn luyện lực lượng dự bị động viên phòng không đảm bảo đúng chỉ tiêu được giao.
Để góp phần tăng cường công tác phòng không nhân dân, ngày 26-7-2016, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định 1123/QĐ-UBND, về Đề án xây dựng hoạt động và bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng dân quân tự vệ giai đoạn 2016 – 2021. Qua đó, tạo thuận lợi về nhiều mặt cho công tác tổ chức, huấn luyện, diễn tập phòng không nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ địa phương, góp phần bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo Tạp chí quốc phòng toàn dân