Đáng chú ý, 6 tháng đầu 2016, lĩnh vực kinh doanh BĐS dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp thành lập mới với 1.354 doanh nghiệp, tăng 110% so với cùng kỳ 2015. Luật Nhà ở và Kinh doanh BĐS cũng đã đảm bảo quyền lợi của 3 đối tượng cơ bản: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, thể hiện sự phát triển bền vững của ngành BĐS và nhà đất Việt Nam. Đặc biệt, tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục giữ đà tăng trưởng ổn định trên các phân khúc: thị trường căn hộ, thị trường nghỉ dưỡng và văn phòng cho thuê.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở và Kinh doanh BĐS cho phép người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam, làm cho lượng cầu tăng lên đáng kể trong một năm qua. Điều đó cũng tác động tích cực, tạo nên sự tin tưởng và kỳ vọng đối với các nhà đầu tư cũng như người mua nhà trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống của mình.
Mô hình toàn cảnh một dự án khu chung cư cao cấp tại Hà Nội (Ảnh: HNV)
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ, ban, ngành triển khai đồng bộ các chính sách về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng phát triển đô thị và nhà ở và thị trường BĐS. Luật Nhà ở và kinh doanh BĐS đã đi vào cuộc sống, thị trường BĐS phát triển đã có quy hoạch và đặc biệt đã có kế hoạch và ngày càng minh bạch. Các luật đã tạo môi trường pháp lý thông thoáng, mở ra cơ hội cho các tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài cũng như tạo điều kiện mở rộng hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực, hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh BĐS.
Thực tế cũng cho thấy, từ cuối năm 2013 đến nay, bằng nhiều nỗ lực của Chính phủ cùng với sự chủ động tích cực có trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan cùng cộng đồng doanh nghiệp, thị trường BĐS có nhiều chuyển biến tích cực, giá cả ổn định, tính thanh khoản cao, tồn kho BĐS giảm, cơ cấu hàng hoá được điều chỉnh hợp lý đối với nhu cầu đích thực, tín dụng cho BĐS tăng trưởng, các doanh nghiệp tham gia BĐS ngày càng có năng lực và chuyên môn, chuyên nghiệp tạo được lòng tin cho khách hàng.
Đặc biệt, các dự án phát triển nhà đô thị được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, chất lượng dịch vụ các dự án đô thị và nhà ở được đảm bảo góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nhằm thay đổi đồng bộ bộ mặt đô thị.
Có thể thấy, sự phát triển của thị trường BĐS đã thúc đẩy thị trường nội địa xây dựng, các hoạt động xây dựng, các thị trường, vốn, các nguồn lực đất đai sử dụng có hiệu quả thu hút được nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, tham gia tích cực vào phát triển đô thị và kinh tế, xã hội.
Trong tình hình hiện nay, khi nền kinh tế đang có nhiều tín hiệu tích cực, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng thì việc mở rộng môi trường kinh doanh ra khu vực cũng như toàn cầu càng tạo thêm động lực để phát triển nội địa cũng như tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp BĐS, hoạt động đầu tư xây dựng nói riêng càng nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.
Việc xúc tiến đầu tư quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm của các dự án BĐS, các sản phẩm vật liệu xây dựng cũng theo đó được mở rộng, đồng thời tăng cường cơ hội cho các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, các nhà thầu xây dựng, các đơn vị tư vấn, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu trong và ngoài nước trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác kinh doanh, góp phần nâng cao được tính cạnh tranh./.
Theo dangcongsan.vn